Dịch vụ thanh toán giá trị cao là gì? Thanh toán liên ngân hàng bao nhiêu thì được xem là sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao?
Dịch vụ thanh toán giá trị cao là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ quyết toán ròng cho các hệ thống khác (sau đây gọi là dịch vụ quyết toán ròng) là dịch vụ tiếp nhận và xử lý kết quả quyết toán ròng từ Hệ thống bù trừ tự động, Hệ thống bù trừ thẻ và các hệ thống thanh toán bù trừ khác.
2. Dịch vụ thanh toán giá trị cao là dịch vụ thuộc Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia xử lý các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng phương thức quyết toán tổng tức thời.
3. Dịch vụ thanh toán giá trị thấp là dịch vụ thuộc Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia xử lý các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng phương thức quyết toán bù trừ.
4. Dịch vụ thanh toán ngoại tệ là dịch vụ thuộc Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia xử lý các lệnh thanh toán bằng ngoại tệ sử dụng phương thức quyết toán tổng tức thời.
...
Như vậy, dịch vụ thanh toán giá trị cao là dịch vụ thuộc Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia xử lý các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng phương thức quyết toán tổng tức thời.
Dịch vụ thanh toán giá trị cao là gì? Thanh toán liên ngân hàng bao nhiêu thì được xem là sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao? (hình từ internet)
Thanh toán liên ngân hàng bao nhiêu thì được xem là sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Quy định về sử dụng dịch vụ thanh toán
1. Lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị từ 500.000.000 VND (năm trăm triệu đồng) trở lên phải sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao.
2. Lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị nhỏ hơn 500.000.000 VND (năm trăm triệu đồng) có thể sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao hoặc dịch vụ thanh toán giá trị thấp.
3. Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ phải sử dụng dịch vụ thanh toán ngoại tệ.
Như vậy, lệnh thanh toán liên ngân hàng bằng đồng Việt Nam có giá trị từ 500.000.000 VND trở lên thì bắt buộc sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao.
Đối với lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam có giá trị nhỏ hơn 500.000.000 VND thì có thể sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao hoặc dịch vụ thanh toán giá trị thấp, tức là dưới 500.000.000 VND thì không bắt buộc sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao.
Chứng từ sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng là chứng từ bằng giấy? Quy trình lập lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ giấy như thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Chứng từ sử dụng trong TTLNH
1. Chứng từ sử dụng trong TTLNH là chứng từ bằng giấy hoặc dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ chứng từ kế toán.
2. Cơ sở để lập lệnh thanh toán là các chứng từ sử dụng trong TTLNH.
3. Lệnh thanh toán được lập dưới dạng chứng từ điện tử theo đúng mẫu, đáp ứng các chuẩn dữ liệu do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Như vậy, Chứng từ sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng có thể là chứng từ bằng giấy hoặc dưới dạng chứng từ điện tử.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy trình lập lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ giấy như sau:
(1) Người lập lệnh thực hiện khởi tạo lệnh thanh toán qua các bước sau:
- Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp chứng từ giao dịch thanh toán của khách hàng;
- Xác định, phân loại lệnh thanh toán để xử lý;
- Đối chiếu, kiểm tra số dư tài khoản của khách hàng;
- Nhập các thông tin cơ bản sau:
+ Đơn vị khởi tạo lệnh (tên, mã ngân hàng), số tiền, tên, địa chỉ, tài khoản (nếu có), số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người phát lệnh hoặc mã số doanh nghiệp (đối với người phát lệnh là doanh nghiệp), đơn vị phục vụ người phát lệnh, đơn vị nhận lệnh (tên, mã ngân hàng), tên, địa chỉ, tài khoản (nếu có), số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp và nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc hộ chiếu của người nhận lệnh; hoặc
+ Mã số doanh nghiệp (đối với người nhận lệnh là doanh nghiệp), đơn vị phục vụ người nhận lệnh, nội dung chuyển tiền và các nội dung khác liên quan đến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch nộp ngân sách nhà nước, giao dịch mua bán trái phiếu Chính phủ và các loại giao dịch khác (nếu có) theo Mẫu số TTLNH-04 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 08/2024/TT-NHNN;
- Kiểm soát lại các dữ liệu đã nhập và ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán;
- Ký trên chứng từ, chuyển chứng từ và dữ liệu đã nhập cho người kiểm soát lệnh;
(2) Người kiểm soát lệnh
- Căn cứ nội dung trên các chứng từ liên quan, kiểm soát lại các yếu tố: đơn vị nhận lệnh, đơn vị phục vụ người phát lệnh, đơn vị phục vụ người nhận lệnh, số tiền để kiểm tra dữ liệu do người lập lệnh đã nhập, nội dung thanh toán;
- Trường hợp phát hiện có sai sót: chuyển trả người lập lệnh;
- Trường hợp dữ liệu đúng: ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán, ký trên chứng từ và chuyển cho người duyệt lệnh;
(3) Người duyệt lệnh
- Kiểm tra sự khớp đúng giữa số liệu trên chứng từ gốc và số liệu trên hệ thống;
- Trường hợp phát hiện sai sót: chuyển trả người lập lệnh hoặc người kiểm soát lệnh;
- Trường hợp dữ liệu đúng: ký trên chứng từ, ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán để chuyển đi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mọi trường hợp CSGT dừng xe người tham gia giao thông thì đều xử lý vi phạm giao thông đúng không?
- Thời gian nghỉ không lương tối đa đối với công chức, viên chức là bao lâu? Thời gian nghỉ không lương có tính vào thời gian làm việc tính phép năm?
- Những bệnh không đủ điều kiện sức khỏe thi lái xe theo Thông tư 36/2024 áp dụng từ 2025 thế nào?
- Quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách có thể bị tước danh hiệu quân nhân?
- Ngoài bản đồ địa giới đơn vị hành chính cấp xã, hồ sơ địa giới đơn vị hành chính cấp xã còn có gì?