Dịch vụ đòi nợ có phải là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay không? Doanh nghiệp cố tình đầu tư kinh doanh vào dịch vụ đòi nợ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Đầu tư kinh doanh là gì? Điều kiện đầu tư kinh doanh được định nghĩa thế nào?
- Dịch vụ đòi nợ có phải là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay không?
- Doanh nghiệp cố tình đầu tư kinh doanh vào dịch vụ đòi nợ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần có những nội dung gì?
Đầu tư kinh doanh là gì? Điều kiện đầu tư kinh doanh được định nghĩa thế nào?
Tại khoản 8 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: "Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh."
Điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Dịch vụ đòi nợ có phải là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay không?
Căn cứ Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm các hoạt động sau đây.
"Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ."
Đối chiếu quy định trên, theo thông tin anh cung cấp anh muốn đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã thuộc vào các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020, (quy định trước đây vẫn cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng hiện nay ngành nghề kinh doanh này đã bị cấm), cho nên anh không được đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Doanh nghiệp cố tình đầu tư kinh doanh vào dịch vụ đòi nợ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định:
"Điều 7. Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy, nếu anh kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP)
Đầu tư kinh doanh (Hình từ Internet)
Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần có những nội dung gì?
Tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 cũng có quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, theo đó:
"Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.
3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
4. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
5. Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
b) Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;
d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);
đ) Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;
e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:
a) Giấy phép;
b) Giấy chứng nhận;
c) Chứng chỉ;
d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;
đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
8. Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh."
Như vậy, điều kiện đầu tư kinh doanh phải đảm bảo có các nội dung quy định tại khoản 5 Điều này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?