Đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của Blackpink? Có được hoàn lại tiền vé trong trường hợp đêm diễn bị hủy không?
Đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam vào ngày 29 và 30/7/2023?
Ngày 27/07/2023, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả VCPMC cho biết đã gửi công văn tới UBND TP. Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao, đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của Blackpink ngày 29 và 30/7 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Theo thông tin từ trung tâm VCPMC cho biết, đã liên hệ với công ty IME để yêu cầu thực hiện xin phép, trả tiền bản quyền ngay khi có thông tin nhóm Blackpink lưu diễn ở Hà Nội vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, đến ngày 19/7, công ty vẫn chưa thực hiện quyền tác giả.
Ngày 21/7, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) đã gửi thư tới VCPMC để yêu cầu phối hợp "chặn đứng hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên KOMCA".
Sáng 27/7, VCPMC cho biết đã nhận được thư điện tử từ người tên Phạm Tâm - quản lý dự án của công ty IME - với nội dung vẫn chưa thống nhất được với phía công ty quản lý ca sĩ về việc tác quyền, vì các bài hát trong chương trình đều thuộc bản quyền công ty YG - đơn vị đang cung cấp nghệ sĩ biểu diễn.
Đại diện công ty này cho biết sẽ đồng ý thanh toán chi phí tác quyền bài hát, tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu trong quá trình thực hiện, IME Việt Nam có thể cung cấp giấy ủy quyền, cho phép sử dụng tác quyền bài hát tại Hà Nội, đồng thời nhờ VCPMC hướng dẫn để hai bên cùng thực hiện.
Đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Việt Nam vào ngày 29 và 30/7/2023? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt đối với hành vi biểu diễn tác phẩm nhưng chưa được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng như sau:
Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định, trong trường hợp hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000.
Theo đó mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 2 lần cá nhân.
Có được hoàn lại tiền vé trong trường hợp đêm diễn bị hủy bỏ không?
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng như sau:
Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định trên, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Theo đó, việc mua vé để xem đêm ca nhạc và việc bán vé từ phía Ban tổ chức, ngay khi giao dịch đã hoàn thành thì cả hai đều đã xác lập hợp đồng giao dịch dân sự với nhau.
Tức là người mua có nghĩa vụ bỏ tiền ra mua vé đồng nghĩa với việc chấp nhận với những thỏa thuận về giá vé, địa điểm tổ chức, thời gian tổ chức, các quy định khác từ phía bán vé và người bán phải có trách nhiệm trong việc thực hiện đúng theo thỏa thuận về giá vé, địa điểm, thời gian tổ chức và các quy định kèm theo như khi đã thỏa thuận với người mua vé.
Theo đó, tại Điều 423 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc hủy bỏ hợp đồng như sau:
Hủy bỏ hợp đồng
1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định.
2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp mua vé để xem đêm diễn ca nhạc nhưng đêm diễn bị hủy bỏ vì lý do từ phía ban tổ chức thì việc ban tổ chức không thể tổ chức đêm diễn cho khán giả là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.
Bên cạnh đó, tại Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về việc hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng như sau:
Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng
1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.
Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.
4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định.
5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan..
Như vậy, khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
Tức người mua sẽ được hoàn lại tiền vé tuy nhiên có thể bị trừ đi các chi phí hợp lý như in ấn, quảng cáo sự kiện,...
Do đó trường hợp show biểu diễn bị hủy thì người mua vé có thể không nhận được 100% chi phí đã bỏ ra để mua vé.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?