Danh sách các Vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo Nghị quyết 1403 chi tiết thế nào? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân?
Danh sách các Vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo Nghị quyết 1403 chi tiết thế nào?
Căn cứ tại Điều 1 Nghị quyết 1403/NQ-UBTVQH15 năm 2025 phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành:
Điều 1
Phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm:
1. Ủy ban Kiểm sát;
2. Văn phòng;
3. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh;
4. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội;
5. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng;
6. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy;
7. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp;
8. Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự;
9. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
10. Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự;
11. Vụ Kiểm sát án dân sự;
12. Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại;
13. Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự;
14. Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp;
15. Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự;
16. Vụ Pháp chế;
17. Vụ Tổ chức cán bộ;
18. Cục Thống kê tội phạm và chuyển đổi số;
19. Cục Tài chính;
20. Thanh tra;
21. Trường Đại học Kiểm sát (có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh);
22. Viện Khoa học kiểm sát;
23. Báo Bảo vệ pháp luật;
24. Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Theo đó, Danh sách các Vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo Nghị quyết 1403 chi tiết như sau:
1. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh;
2. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội;
3. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng;
4. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy;
5. Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp;
6. Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự;
7. Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự;
8. Vụ Kiểm sát án dân sự;
9. Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại;
10. Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự;
11. Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp;
12. Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự;
13. Vụ Pháp chế;
14. Vụ Tổ chức cán bộ;
Danh sách các Vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo Nghị quyết 1403 chi tiết thế nào? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân?
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể như sau:
(1) Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.
Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới.
(2) Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương thành lập Ủy ban kiểm sát để thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng, cho ý kiến về các vụ án, vụ việc trước khi Viện trưởng quyết định theo quy định tại các Điều 43, 45, 47, 53 và 55 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.
Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thế nào?
Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, cụ thể:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.
(2) Khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân không có căn cứ, trái pháp luật thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và Cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân xem xét lại.
Viện kiểm sát nhân dân phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.
(3) Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.