Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại nhà được không? Cần chuẩn bị những gì khi đăng ký?
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại nhà được không?
Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP về trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam như sau:
Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử
a) Công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD.
b) Công dân sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.
c) Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
a) Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
b) Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 không được thực hiện tại nhà.
Người dẫn cần đến Công an xã, phường, thị trấn để thực hiện thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại nhà được không? Cần chuẩn bị những gì khi đăng ký? (Hình từ Internet)
Cần chuẩn bị những gì khi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA.
Khi đến Công an xã, phường, thị trấn thực hiện thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân cần chuẩn bị các nội dung sau:
(1) Trường hợp đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
- Thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử;
- Cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin.
(2) Trường hợp chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Thẻ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng.
Tài khoản định danh điện tử của công dân bị khóa khi nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 59/2022/NĐ-CP về khóa tài khoản định danh điện tử như sau:
Khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử
1. Khóa tài khoản định danh điện tử của công dân
a) Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận và khóa tài khoản định danh điện tử trong trường hợp chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình; chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNelD; chủ thể danh tính điện tử bị thu hồi thẻ Căn cước công dân; chủ thể danh tính điện tử chết. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc chủ thể danh tính điện tử khai báo trên ứng dụng VNelD hoặc việc cập nhật thông tin danh tính điện tử vào hệ thống định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 10 Nghị định này.
b) Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị khóa tài khoản tới cơ quan Công an để xem xét, giải quyết.
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Như vậy, theo quy định trên thì tài khoản định danh điện tử của công dân bị khóa trong các trường hợp sau:
- Công dân yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình;
- Vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNelD;
- Công dân bị thu hồi thẻ Căn cước công dân;
- Khi công dân chết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là bao lâu? Theo Luật Đất đai 2024 chuyển nhượng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng có được không?
- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở có phải cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng không?
- Thời hạn sử dụng của đất trồng cây lâu năm theo hình thức giao đất tối đa hiện nay là bao nhiêu?
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?
- Tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai chỉ số là gì? Quy mô hợp đồng tương lai chỉ số được xác định như thế nào?