Dải phân cách là gì? Bao gồm những loại nào? Vị trí và khoảng cách tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách?
Dải phân cách là gì? Bao gồm những loại nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 85 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì dải phân cách được hiểu là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó được dùng để phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều xe chạy.
- Khi dải phân cách đặt ở khoảng giữa đường và sử dụng để phân chia giữa hai chiều xe chạy thì gọi là dải phân cách giữa; khi dải phân cách sử dụng để phân chia phần đường chính và phần đường bên hoặc phân chia giữa phần đường xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại phương tiện khác nhau trên cùng một chiều giao thông thì gọi là dải phân cách bên.
- Cũng theo quy định này thì dải phân cách có hai loại là dải phân cách cố định và dải phân cách di động.
(1) Dải phân cách cố định: là dải phân cách có vị trí cố định trên phần đường xe chạy. Dải phân cách cố định gồm các loại cơ bản sau:
+ Dải phân cách dạng bó vỉa bên trong đổ đất trồng cây (đối với dải phân cách rộng), có thể sử dụng kết hợp lan can phòng hộ nửa cứng hoặc mềm;
+ Dải phân cách có dạng một dải đất xen kẹp giữa các phần xe chạy, có dạng lõm xuống hoặc tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên, có thể sử dụng kết hợp lan can phòng hộ nửa cứng hoặc mềm;
+ Dải phân cách sử dụng lan can phòng hộ cứng xây cố định trên mặt đường có chiều cao trong khoảng 0,3 m - 0,8 m, tối đa là 1,27 m nếu có nhu cầu chắn sáng, độ rộng tùy theo mặt đường rộng hẹp để thiết kế và được gắn tiêu phản quang hoặc được sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quang và vạch kẻ đường (vạch đứng) quy định trong Quy chuẩn này.
(2) Dải phân cách di động: là các dải phân cách có thể di chuyển theo bề rộng trên mặt đường được tạo bởi các cột (cục) bê tông, nhựa composite bên trong có thể đổ cát hoặc nước cao từ 0,3 m - 0,8 m xếp liền nhau hoặc có các ống thép Æ40 - Æ50 xuyên qua tạo thành hệ thống lan can trên mặt đường.
- Điều kiện đặt dải phân cách cố định và di động:
+ Dải phân cách cố định nên sử dụng khi đường có từ 4 làn xe trở lên để phân làn đường đi theo hai hướng riêng biệt.
+ Dải phân cách di động nên dùng ở những nơi mặt đường chỉ đủ 2 hay 3 làn xe, cần chia tạm thời hai chiều hoặc hai làn xe riêng biệt.
Dải phân cách là gì? Bao gồm những loại nào? (Hình từ Internet)
Vị trí và khoảng cách tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách như thế nào?
Theo quy định tại Điều 61 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì Tiêu phản quang bao gồm: tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách, tiêu phản quang dạng mũi tên và đinh phản quang (còn gọi là cóc phản quang) bố trí trên mặt đường.
Vị trí và khoảng cách tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách như sau:
- Tiêu phản quang đặt cách mép phần xe chạy phía ngoài cùng từ 0,6 m - 2,4 m và cách đều mép mặt đường, lượn cong đều theo mép phần đường xe chạy;
- Trên đường thẳng, khoảng cách giữa tiêu phản quang không nhỏ hơn 10 m và không quá 100 m;
- Trong phạm vi đường cong nằm, khoảng cách nhỏ nhất giữa các tiêu phản quang là 6 m và tối đa là 100 m phụ thuộc vào bán kính đường cong;
- Phần đường thẳng tiếp giáp với điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong bố trí 3 tiêu. Tiêu đầu tiên cách điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong là 1S; tiêu thứ hai cách tiêu thứ nhất là 3S, và tiêu thứ 3 cách tiêu thứ 2 là 6S nhưng cũng không cách xa quá 100 m (S là khoảng cách giữa các tiêu bố trí trong đường cong).
Đường hai chiều có dải phân cách không?
Đường hai chiều được giải thích tại Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3.8. Đường không ưu tiên là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.
3.9. Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều.
3.10. Đường hai chiều là đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách.
3.11. Đường đôi là đường mà chiều đi và về được phân biệt bằng dải phân cách (trường hợp phân biệt bằng vạch sơn thì không phải đường đôi).
3.12. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.
...
Theo đó, đường hai chiều là đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định đánh giá xếp loại lại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo Hướng dẫn 25? Tải mẫu về?
- Mẫu Nghị quyết chuyên đề xây dựng chi bộ 4 tốt? Nghị quyết chuyên đề xây dựng chi bộ 4 tốt là gì?
- Mẫu báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật Đảng viên mới nhất năm 2024? Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên thế nào?
- Lời dẫn chương trình hội nghị tổng kết cuối năm 2024 của chi bộ? Lời dẫn chương trình tổng kết chi bộ cuối năm 2024 ra sao?
- Mẫu nhận xét đảng viên dự bị của người giúp đỡ mới nhất? Hướng dẫn cách viết nhận xét đảng viên dự bị của người giúp đỡ?