Cung cấp dịch vụ liên tục là gì? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục cho người tiêu dùng?
Cung cấp dịch vụ liên tục là gì?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:
a) Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại;
b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
3. Thông tin của người tiêu dùng bao gồm thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
4. Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, bao gồm:
a) Sản phẩm, hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
b) Sản phẩm, hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng;
c) Sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
5. Giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.
6. Cung cấp dịch vụ liên tục là việc cung cấp dịch vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.
...
Như vậy, cung cấp dịch vụ liên tục là hoạt động cung cấp hàng hóa là dịch vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.
Việc cung cấp dịch vụ liên tục này phải đảm bảo thuộc các loại dịch vụ trong hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cung cấp dịch vụ liên tục là gì? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục cho người tiêu dùng? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục là gì?
Căn cứ theo Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục như sau:
- Trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam
Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam thì phải chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam. Đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng hoặc trái quy định của pháp luật.
Trường hợp cần sửa chữa, bảo trì hoặc vì lý do khác bắt buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ phải thông báo trước cho người tiêu dùng về thời gian ngừng cung cấp dịch vụ và thời gian cung cấp lại dịch vụ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngừng cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ như đã cam kết với người tiêu dùng.
- Thực hiện quy định tại Điều 37 và Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục thông qua giao dịch từ xa.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục được giao kết ra sao?
Căn cứ theo Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục như sau:
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng 01 bản.
- Hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có nội dung quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các nội dung sau đây:
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);
+ Mô tả dịch vụ được cung cấp;
+ Thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ;
+ Thông tin chính xác, đầy đủ về các khoản phí, chi phí, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung được áp dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;
+ Thông báo cho người tiêu dùng về việc nộp phí để tiếp tục sử dụng dịch vụ theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hết hạn sử dụng dịch vụ;
+ Thông báo cho người tiêu dùng về thời điểm kết thúc hợp đồng theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng chỉ phải thanh toán đối với phần dịch vụ mà mình đã sử dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 23 nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự? Tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có bao gồm tranh chấp đất đai?
- Người tham gia đấu giá tài sản có quyền khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng đấu giá tài sản khi nào?
- Khi đấu giá theo phương thức đặt giá xuống mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá thì cuộc đấu giá thực hiện như nào?
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?