Công văn 03: Bố trí thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cấp xã không sáp nhập đúng không?
- Công văn 03: Bố trí thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cấp xã không sáp nhập đúng không?
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết công việc không?
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã so với mức lương cơ sở là bao nhiêu?
Công văn 03: Bố trí thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cấp xã không sáp nhập đúng không?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần II Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 có quy định về cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập như sau:
2. Về chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu)
...
2.2. Về số lượng chức danh lãnh đạo
Thực hiện chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc bố trí chức danh lãnh đạo cấp xã kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, đề nghị các địa phương thực hiện như sau:
- Lãnh đạo HĐND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Chủ tịch (chức danh chuyên trách).
- Lãnh đạo UBND cấp xã gồm Chủ tịch (chức danh chuyên trách) và 02 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công).
- Các Ban của HĐND có Trưởng ban (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Trưởng ban (chức danh chuyên trách).
- Các phòng và tương đương của UBND có Trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do Phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 01 cấp phó (chức danh chuyên trách).
Đối với trường hợp ĐVHC cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Giao địa phương căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chủ động sắp xếp, bố trí sử dụng lãnh đạo kiêm nhiệm hoặc giảm cấp phó các phòng, ban chuyên môn để tăng số lượng công chức làm việc trực tiếp đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân của ĐVHC cấp xã mới.
Như vậy, theo Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 thì đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên (không sáp nhập) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thể bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công văn 03: Bố trí thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cấp xã không sáp nhập đúng không? (Hình từ Internet)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết công việc không?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 9 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Nhiệm vụ của từng chức vụ cán bộ cấp xã
...
6. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công việc theo lĩnh vực, địa bàn; được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi giải quyết các công việc và ký các văn bản khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền;
b) Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về lĩnh vực công tác được giao và về những quyết định chỉ đạo, điều hành của mình; cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tập thể về toàn bộ hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã trước Đảng ủy, Hội đồng nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên. Đối với những vấn đề vượt quá phạm vi thẩm quyền thì Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định;
c) Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến phạm vi và trách nhiệm giải quyết công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân khác thì chủ động trao đổi, phối hợp để thống nhất cách giải quyết; nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định;
d) Các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan, của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ và theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
...
Như vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ được quyền sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi giải quyết các công việc và ký các văn bản khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền;
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ được quyền trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công việc theo lĩnh vực, địa bàn theo quy định.
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã so với mức lương cơ sở là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo cấp xã
Cán bộ cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương cơ sở như sau:
1. Bí thư Đảng ủy: 0,30.
2. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,25.
3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,20.
4. Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 0,15.
Theo đó, đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương cơ sở là 0,20.
Hiện nay mức lương cơ sở tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2.340.000 đồng/tháng.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.