Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có chịu trách nhiệm khi giám đốc ký hợp đồng tín dụng mà chưa được Hội đồng thành viên thông qua không?
- Khi giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký hợp đồng tín dụng thì bắt buộc Hội đồng thành viên thông qua không?
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có chịu trách nhiệm khi giám đốc ký hợp đồng tín dụng mà chưa được Hội đồng thành viên thông qua không?
- Khi có tranh chấp về hợp đồng tín dụng do giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký kết vượt quá phạm vi đại diện thì tư cách tham gia tố tụng được xác định thế nào?
Khi giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký hợp đồng tín dụng thì bắt buộc Hội đồng thành viên thông qua không?
Theo điểm e khoản 2 Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2020 thì giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền ký hợp đồng nhân danh công ty (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên).
Do đó, giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền ký hợp đồng tín dụng nhân danh công ty.
Tuy nhiên, nếu hợp đồng tín dụng này có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty thì phải được Hội đồng thành viên thông qua trước khi ký kết theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2020.
Hội đồng thành viên
...
2. Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
...
d) Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
...
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Hình từ Internet)
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có chịu trách nhiệm khi giám đốc ký hợp đồng tín dụng mà chưa được Hội đồng thành viên thông qua không?
Khi giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký kết hợp đồng tín dụng có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty mà chưa được Hội đồng thành viên thông qua thì đây được xem là xác lập giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện.
Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định tại Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Theo đó, trách nhiệm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên khi giám đốc ký hợp đồng tín dụng vượt quá phạm vi đại diện được xác định như sau:
(1) Trường hợp hợp đồng tín dụng do giám đốc công ty TNHH 2 thành viên ký kết vượt quá phạm vi đại diện nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 nêu trên thì vẫn làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, khi đó bên vay được xác định là Công ty.
Ví dụ: Trường hợp hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên về nội dung thông qua hợp đồng vay tín dụng, nhưng có tài liệu, chứng cứ thể hiện khoản tiền vay được chuyển vào tài khoản của Công ty, được Công ty sử dụng, được hạch toán trên sổ sách, giấy tờ của Công ty thì được coi là Công ty đồng ý với hợp đồng tín dụng do người đại diện của Công ty xác lập, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 nên lúc này Công ty được xác định là bên vay.
(2) Trường hợp hợp đồng tín dụng do giám đốc công ty ký kết vượt quá phạm vi đại diện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 nêu trên và có tài liệu, chứng cứ cho thấy người này sử dụng số tiền vay được cho mục đích cá nhân thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Do đó, bên vay được xác định là cá nhân giám đốc đã ký hợp đồng tín dụng.
Khi có tranh chấp về hợp đồng tín dụng do giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký kết vượt quá phạm vi đại diện thì tư cách tham gia tố tụng được xác định thế nào?
Tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ việc tranh chấp về hợp đồng tín dụng do giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên ký kết vượt quá phạm vi đại diện được xác định theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
(1) Trường hợp tổ chức tín dụng khởi kiện Công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì công ty là bị đơn.
(2) Trường hợp tổ chức tín dụng khởi kiện giám đốc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì giám đốc là bị đơn; Công ty TNHH 2 thành viên trở lên tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?
- Hướng dẫn lập Bảng cân đối tài khoản kế toán hợp tác xã chi tiết? Quyền của hợp tác xã được quy định như thế nào?
- Cá nhân kinh doanh khai sai căn cứ tính thuế không bị xử phạt hành chính trong trường hợp nào theo quy định?
- Lịch bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 như thế nào? Thời gian bắn pháo hoa TP Buôn Ma Thuột ngày 22 11 2024 ra sao?