Cộng tác viên thanh tra chuyên ngành lao động được hưởng chế độ, chính sách gì? Để làm cộng tác viên thanh tra chuyên ngành lao động thì phải đáp ứng tiêu chuẩn thế nào?
Cộng tác viên thanh tra chuyên ngành lao động được hưởng những chế độ, chính sách gì?
Cộng tác viên thanh tra chuyên ngành lao động (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 23 Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra như sau:
Chế độ, chính sách đối với cộng tác viên thanh tra
1. Cơ quan trực tiếp quản lý trả lương, phụ cấp cho cộng tác viên thanh tra (nếu có).
2. Cơ quan trưng tập chi trả tiền công tác phí cho cộng tác viên thanh tra theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể:
a) Thanh tra Bộ chi trả công tác phí cho cộng tác viên thanh tra do mình trưng tập;
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi trả công tác phí cho cộng tác viên thanh tra do Thanh tra Sở trưng tập. Trường hợp Thanh tra Sở có tài khoản riêng thì trực tiếp chi trả công tác phí cho cộng tác viên do mình trưng tập.
3. Cơ quan trưng tập bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác cho cộng tác viên như thành viên Đoàn thanh tra.
Theo đó, công tác viên thanh tra chuyên ngành lao động - Thương binh và Xã hội có thể được hưởng một số chế độ, chính sách như sau:
- Được trả lương, phụ cấp cho cộng tác viên thanh tra (nếu có);
- Được chi trả tiền công tác phí cho cộng tác viên thanh tra;
- Được bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác cho cộng tác viên như thành viên Đoàn thanh tra.
Để làm cộng tác viên thanh tra chuyên ngành lao động phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
Theo Điều 19 Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH thì cộng tác viên thanh tra là công chức, viên chức được Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở trưng tập tham gia Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong lĩnh vực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước.
Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra được quy định tại Điều 20 Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
- Am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của cơ quan trưng tập.
- Có khả năng phân tích, tổng hợp và viết báo cáo.
- Có ít nhất 02 năm công tác trong lĩnh vực được trưng tập.
Cộng tác viên thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn thế nào?
Căn cứ Điều 22 Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra
Cộng tác viên thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 47 và Điều 54 của Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tại Điều 54 Luật Thanh tra 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập
1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra theo Đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra;
b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 53 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
đ) Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra;
e) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.
2. Trong quá trình thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này.
3. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
b) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Báo cáo Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?