Công chứng viên đã bị miễn nhiệm có thể được bổ nhiệm lại trong trường hợp nào? Khi nào thì không được bổ nhiệm lại công chứng viên?
Công chứng viên đã bị miễn nhiệm có thể được bổ nhiệm lại trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 16 Luật Công chứng 2014 quy định về việc bổ nhiệm lại công chứng viên cụ thể như sau:
Bổ nhiệm lại công chứng viên
1. Người được miễn nhiệm công chứng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi có đề nghị bổ nhiệm lại.
2. Người bị miễn nhiệm công chứng viên theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn công chứng viên quy định tại Điều 8 của Luật này và lý do miễn nhiệm không còn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
...
Theo đó, dẫn chiếu đến Điều 15 Luật Công chứng 2014, nếu công chứng viên bị miễn nhiệm vì một trong những lý do sau đây thì có thể được xem xét bổ nhiệm lại:
(1) Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân hoặc chuyển làm công việc khác;
Trong trường hợp này, sẽ được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi có đề nghị bổ nhiệm lại.
(2) Miễn nhiệm vì thuộc một trong những trường hợp sau:
- Không còn đủ tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014;
- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác;
- Không hành nghề công chứng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được bổ nhiệm công chứng viên hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên;
- Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng (12 tháng) mà lý do tạm đình chỉ hành nghề công chứng vẫn còn;
- Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án (trừ tội phạm do cố ý);
- Thuộc các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên quy định tại Điều 13 Luật Công chứng viên 2014 tại thời điểm được bổ nhiệm.
Điều kiện được xem xét bổ nhiệm lại: Đáp ứng đủ tiêu chuẩn công chứng viên quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 và lý do miễn nhiệm không còn (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Công chứng 2014).
Trường hợp nào công chứng viên đã bị miễn nhiệm có thể được bổ nhiệm lại (Hình từ Internet)
Công chứng viên bị miễn nhiệm vì lý do gì thì sẽ không được bổ nhiệm lại?
Theo khoản 3 Điều 16 Luật Công chứng 2014 quy định cụ thể nếu công chứng viên bị miễn nhiệm vì một trong những lý do sau đây thì sẽ không được bổ nhiệm lại:
- Do bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do cố ý;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm;
- Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm;
- Bị kỷ luật buộc thôi việc.
Thủ tục bổ nhiệm lại công chứng viên theo quy định mới nhất hiện nay?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 16 Luật Công chứng 2014 và Điều 12 Luật Công chứng 2014 thì thủ tục bổ nhiệm lại công chứng viên được thực hiện như sau:
Bước 01: Nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên gồm:
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng.
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gồm:
- Đơn đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên; Tại
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
- Bản sao quyết định miễn nhiệm công chứng viên;
- Bản sao các giấy tờ chứng minh lý do miễn nhiệm không còn, trừ trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân hoặc do chuyển làm công việc khác.
Bước 02: Sở Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại; trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Bước 03: Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm lại công chứng viên;
Trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm của DN sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay?
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?
- Mục đích của chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng là gì? Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm trình chủ đầu tư chấp thuận nội dung gì?
- Năm cá nhân số 4 năm 2025 có ý nghĩa gì? Năm 2025 là năm thế giới số mấy? Hành vi xem thần số học có phải là mê tín dị đoan không?
- Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng là gì? Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng?