Công chứng viên có thể thực hiện thủ tục công chứng di chúc tại trại giam không? Nếu có thì hồ sơ yêu cầu gồm những gì?
Công chứng viên có thể thực hiện thủ tục công chứng di chúc tại trại giam hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Theo quy định thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, công chứng viên có thể thực hiện thủ tục công chứng di chúc trong trường hợp người yêu cầu công chứng đang ở trại giam.
Công chứng viên có thể thực hiện thủ tục công chứng di chúc tại trại giam hay không? (Hình từ Internet)
Hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng như sau:
Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng
1. Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch.
2. Công chứng viên thực hiện các việc quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này.
Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch.
...
Đồng thời, căn cứ Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn như sau:
Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
2. Bản sao quy định tại khoản 1 Điều này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
3. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
...
Như vậy, theo quy định, hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng bao gồm:
(1) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo;
Tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
(2) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
(3) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp di chúc có iên quan đến tài sản đó;
(4) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến việc công chứng di chúc mà pháp luật quy định phải có.
Lưu ý: Các bản sao quy định ở trên là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
Công chứng viên có được quyền công bố di chúc không?
Căn cứ khoản 1 Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc công bố di chúc như sau:
Công bố di chúc
1. Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.
2. Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.
3. Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.
4. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.
5. Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.
Như vậy, theo quy định, công chứng viên được quyền công bố di chúc trong trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?
- Chức năng của công tác xã hội là gì? Công tác xã hội có góp phần thúc đẩy công bằng xã hội hay không?
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?