Công chứng viên có được công chứng hợp đồng mua bán đất ngoài phạm vi văn phòng công chứng đặt trụ sở không?
Công chứng viên có được công chứng hợp đồng mua bán đất ngoài phạm vi văn phòng công chứng đặt trụ sở không?
Phạm vi công chứng hợp đồng mua bán đất được quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014 như sau:
Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản
Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Bất động sản và động sản
1. Bất động sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Như vậy, theo quy định, công chứng viên không được công chứng hợp đồng mua bán đất ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi văn phòng công chứng đặt trụ sở.
Công chứng viên có được công chứng hợp đồng mua bán đất ngoài phạm vi văn phòng công chứng đặt trụ sở không? (Hình từ Internet)
Hợp đồng mua bán đất đã công chứng rồi thì có được sửa đổi, bổ sung không?
Việc sử đổi, bổ sung hợp đồng mua bán đất đã công chứng được quy định tại Điều 51 Luật Công chứng 2014 như sau:
Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.
Như vậy, theo quy định, hợp đồng mua bán đất đã được công chứng có thể sửa đổi, bổ sung nếu có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng đó.
Việc công chứng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán đất đã được công chứng được thực hiện tại văn phòng công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành.
Trường hợp người yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán đất không biết chữ thì có cần người làm chứng không?
Trường hợp người yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán đất không biết chữ được quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng 2014 như sau:
Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch
1. Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.
Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
2. Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
3. Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.
Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.
Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.
Như vậy, theo quy định, trường hợp người yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán đất không biết chữ, không đọc được thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trạm y tế được giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác trong trường hợp nào?
- Liên hệ bản thân về 19 điều Đảng viên không được làm? Liên hệ bản thân về những điều Đảng viên không được làm?
- Nhân viên y tế học đường là gì? Mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế học đường hiện nay là bao nhiêu?
- Báo cáo kiểm điểm chi ủy chi bộ thôn cuối năm 2024? Tải mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể chi bộ thôn mới nhất 2024 ở đâu?
- Mẫu quyết định đánh giá xếp loại lại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo Hướng dẫn 25? Tải mẫu về?