Công chức và viên chức khác nhau như thế nào? Ngạch công chức được quy định ra sao theo pháp luật hiện hành?
Công chức và viên chức khác nhau ra sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về công chức như sau:
“2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về viên chức như sau:
"Điều 2. Viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật."
Như vậy, bạn thấy rằng giữa công chức và viên chức có điểm giống nhau là đều phải là công dân Việt Nam thì mới được làm viên chức và công chức. Tuy nhiên công chức và viên chức lại khác nhau ở hình thức tuyển dụng.
+ Đối với công chức thì sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và một số cơ quan đơn vị khác.
+ Ngược lại đối với viên chức thì được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc và được hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập đó.
>>> Xem thêm: Bảng lương công chức, viên chức mới nhất hiện nay Tải
Phân biệt công chức, viên chức, cán bộ
Ngạch công chức là gì?
Căn cứ, khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về ngạch công chức như sau:
“4. Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.”
Như vậy, ngạch chỉ là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực cũng như trình độ chuyên môn của công chức.
Bổ nhiệm vào ngạch công chức được quy định như thế nào?
Căn cứ, Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức như sau:
“1. Ngạch công chức bao gồm:
a) Chuyên viên cao cấp và tương đương;
b) Chuyên viên chính và tương đương;
c) Chuyên viên và tương đương;
d) Cán sự và tương đương;
đ) Nhân viên.
e) Ngạch khác theo quy định của Chính phủ
2. Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;
b) Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;
b) Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;
c) Công chức chuyển sang ngạch tương đương.”
Như vậy, việc bổ nhiệm vào ngạch công chức phải bảo đảm được các điều kiện như: Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch; Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tuy nhiên việc bổ nhiệm vào ngạch công chức chỉ được thực hiện trong các trường hợp như: Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự; Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch; Công chức chuyển sang ngạch tương đương.
Nâng ngạch công chức ra sao?
Căn cứ, Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về việc nâng ngạch công chức như sau:
“1. Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
2. Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
3. Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
4. Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.”
Như vậy, trên đây là nội dung về nâng ngạch công chức được quy định rất cụ thể và chi tiết gửi đến bạn tham khảo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trầm cảm là gì? Dấu hiệu trầm cảm là gì? Biến chứng nguy hiểm nhất của trầm cảm là gì theo Bộ Y tế?
- Chủ nghĩa kinh nghiệm là gì? Đặc trưng chính của chủ nghĩa kinh nghiệm? Chương trình Lý luận chính trị của sinh viên được quy định thế nào?
- Viết đoạn văn kể lại cuộc trò chuyện của em với bà tiên, ông bụt lớp 4? Yêu cầu cần đạt về đọc hiểu của học sinh lớp 4?
- Trình tự, thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo Thông tư 46 như thế nào?
- Mẫu bảng chấm công sản xuất trong các doanh nghiệp bằng Excel mới nhất? Doanh nghiệp có được tự thiết kế bảng chấm công không?