Có thể thực hiện tra cứu hồ sơ địa chính, thông tin về quyền sử dụng đất của người khác hay không?
Hồ sơ địa chính có thể hiện tình trạng pháp lý của đất không?
Hồ sơ địa chính có thể hiện tình trạng pháp lý của đất không, thì căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:
Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết nêu trên và trong đó có tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ địa chính (Hình từ Internet)
Có thể thực hiện tra cứu hồ sơ địa chính, thông tin về quyền sử dụng đất của người khác hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT như sau:
Khai thác dữ liệu thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
3. Việc khai thác dữ liệu thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Và theo quy định tại Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT như sau:
Những trường hợp không cung cấp dữ liệu
1. Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.
2. Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.
3. Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.
4. Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bên cạnh đó thì tại Điều 31 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT có quy định
Bảo mật hồ sơ địa chính
1. Dữ liệu địa chính cần bảo mật gồm:
...
- Thông tin về cá nhân của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà người đó có yêu cầu bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật;
...
2. Các tài liệu hồ sơ địa chính có chứa thông tin cần bảo mật quy định tại Khoản 1 Điều này được quản lý theo chế độ mật.
3. Việc quản lý, vận chuyển, giao nhận, truyền dẫn các tài liệu, dữ liệu hồ sơ địa chính có chứa thông tin mật và việc in, sao, chụp, khai thác, cung cấp thông tin mật từ các tài liệu hồ sơ địa chính phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
4. Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin và các cơ quan có liên quan đến việc khai thác, sử dụng thông tin phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao có trách nhiệm quản lý, bảo mật thông tin của hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Hiện tại pháp luật không quy định chi tiết chủ thể nào được yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin dữ liệu đất đai mà chỉ có quy định về trường hợp không cung cấp dữ liệu tại Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai thì sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định để được cung cấp dữ liệu đất đai.
Tuy nhiên, đối với những thông tin có yêu cầu bảo mật thì tùy thuộc vào từng văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương sẽ có những quy định hướng dẫn chi tiết về việc cung cấp dữ liệu này.
Thông thường, những yêu cầu cung cấp dữ liệu về thông tin thửa đất, người sử dụng đất Văn phòng đăng ký đất đai chỉ thực hiện cung cấp cho người có quyền sử dụng đất mà không thực hiện cho những đối tượng khác.
Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số có giá trị pháp lý khác nhau như thế nào?
Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số có giá trị pháp lý khác nhau như thế nào, thì theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT có quy định
Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính
1. Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.
2. Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số đều có giá trị pháp lý như nhau.
3. Trường hợp có sự không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính thì phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký để xác định thông tin có giá trị pháp lý làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.
...
Như vậy, hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số đều có giá trị pháp lý như nhau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì? Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để làm gì?
- Giá trị hoàn lại trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có mức lãi suất tính tạm ứng là bao nhiêu phần trăm?
- Có giới hạn độ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hay không theo quy định?
- Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi ở đâu? Nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng có bị phá dỡ?
- 11 hình thức xác nhận giao dịch điện tử thông qua hệ thống Online Banking theo Thông tư 50/2024 thế nào?