Có thể hợp nhất 02 Văn phòng Thừa phát lại khác tỉnh hay không? Hồ sơ đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại bao gồm những gì?
Có thể hợp nhất 02 Văn phòng Thừa phát lại khác tỉnh hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về việc hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại như sau:
Hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại
1. Hai hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh có thể hợp nhất thành một Văn phòng Thừa phát lại mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất, đồng thời chấm dứt hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất.
Như vậy, điều kiện để hợp nhất hai hay nhiều Văn phòng Thừa phát lại là các văn phòng này phải có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh. Do đó, nếu trụ sở của 02 Văn phòng Thừa phát lại ở khác tỉnh nhau thì không thể thực hiện hợp nhất.
Tải về mẫu Giấy đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại mới nhất 2023: Tại Đây
Hồ sơ, thủ tục hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại bao gồm những gì?
Theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại bao gồm những giấy tờ sau đây:
- Đơn đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
- Hợp đồng hợp nhất, trong đó có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ trụ sở của các Văn phòng bị hợp nhất;
+ Thời gian thực hiện hợp nhất;
+ Phương án xử lý tài sản, sử dụng lao động của các Văn phòng;
+ Việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các Văn phòng và các nội dung khác có liên quan;
- Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong năm gần nhất đã được kiểm toán của các Văn phòng tính đến ngày đề nghị hợp nhất;
- Biên bản kiểm kê các hồ sơ nghiệp vụ và biên bản kiểm kê tài sản hiện có của các Văn phòng bị hợp nhất;
- Danh sách Thừa phát lại hợp danh và Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng (nếu có) tại các Văn phòng;
- Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của các Văn phòng.
Thủ tục hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, việc hợp nhất hai hay nhiều Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh được thực hiện như sau:
Bước 01: Nộp hồ sơ đề nghị hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại
Các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở.
Bước 02: Xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Bước 03: Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất đăng ký hoạt động
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép hợp nhất.
Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
- Quyết định cho phép hợp nhất;
- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của các Thừa phát lại đang hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu.
Bước 04: Cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.
Lưu ý: Trong thời gian làm thủ tục hợp nhất, các Văn phòng Thừa phát lại tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Thừa phát lại mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
- Mừng thọ 100 tuổi gọi là gì? Lời chúc mừng thọ 100 tuổi? Thời gian tổ chức mừng thọ 100 tuổi theo Thông tư 06?
- Giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất? Thời điểm thực hiện chính sách giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất?
- Lịch đi làm lại sau Tết Nguyên Đán 2025? Lịch đi làm lại sau Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động?
- Đá khối làm đá ốp lát công trình xây dựng là đá như thế nào? Quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật đá khối làm đá ốp lát xuất khẩu?