Cơ quan nào có thẩm quyền thanh tra giám sát tổ chức tín dụng? Tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ gì trong quá trình thanh tra giám sát?
Cơ quan nào có thẩm quyền thanh tra giám sát tổ chức tín dụng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 207 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát
1. Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Chủ trì, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
4. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo thẩm quyền.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền thanh tra giám sát tổ chức tín dụng bao gồm:
- Ngân hàng Nhà nước;
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ Tài chính (thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Cơ quan nào có thẩm quyền thanh tra giám sát tổ chức tín dụng? Tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ gì trong quá trình thanh tra giám sát? (Hình từ Internet)
Tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ gì trong quá trình thanh tra giám sát?
Căn cứ vào Điều 208 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong quá trình thanh tra giám sát như sau:
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát.
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Bảo đảm khả năng kết nối, truy cập dữ liệu trực tuyến phục vụ hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Báo cáo, giải trình đối với kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng không thực hiện quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng thì bị thu hồi Giấy phép đúng không?
Căn cứ theo Điều 36 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng như sau:
Thu hồi Giấy phép
1. Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép đã cấp trong trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;
b) Tổ chức tín dụng bị chia, bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức pháp lý;
c) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép;
d) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động;
đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;
e) Tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng có hiện diện thương mại tại Việt Nam bị giải thể, phá sản hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.
2. Quyết định thu hồi Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép phải chấm dứt hoạt động kinh doanh kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép.
Như vậy, tổ chức tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng thì sẽ bị thu hồi Giấy phép đã cấp .
Lưu ý: Tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép phải chấm dứt hoạt động kinh doanh kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương pháp luận triết học là gì? Các phương pháp luận triết học? Mục tiêu của môn Triết học Mác Lênin là gì?
- Kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng công trình xây dựng có lập hồ sơ không? Hồ sơ bảo trì công trình xây dựng?
- Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phải có tên miền như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến?
- Người quản lý sử dụng công trình xây dựng có được tổ chức thực hiện phá dỡ công trình xây dựng không?
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn lớp 10? Học sinh lớp 10 có quyền gì?