Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, quay video trong quá trình điều tra hay không? Nếu được thì file ghi âm, ghi hình đó sử dụng vào việc gì?
- Có các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nào?
- Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, quay video trong quá trình điều tra hay không?
- Việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện như thế nào?
- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng vào việc gì?
Bí mật ghi âm, quay video là một trong những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, không mọi trường hợp đều có thể tiến hành áp dụng biện pháp này. Vậy trong quá trình điều tra, cơ quan điều có được bí mật ghi âm hay quay video không? Trường nào cơ quan điều tra được quyền bí mật ghi âm, quay video? Những thông tin thu thập được từ việc ghi âm, quay video sẽ được dùng vào việc gì? Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để làm rõ được các vấn đề này.
Có các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nào?
Theo quy định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:
“Điều 223. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
1. Ghi âm, ghi hình bí mật;
2. Nghe điện thoại bí mật;
3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.”
Theo đó, các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm:
- Ghi âm, ghi hình bí mật;
- Nghe điện thoại bí mật;
- Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Như vậy, ghi âm, ghi hình là một trong các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Có được bí mật ghi âm, quay video trong quá trình điều tra hay không?
Cơ quan điều tra có được bí mật ghi âm, quay video trong quá trình điều tra hay không?
Căn cứ theo Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể như sau:
“Điều 224. Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:
1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp đều có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, chỉ khi thuộc các trường sau thì các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mới được áp dụng:
- Tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Tội phạm về ma túy;
- Tội phạm về tham nhũng;
- Tội khủng bố, tội rửa tiền;
- Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra có thể bí mật ghi âm, quay video khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 26 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, việc thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định như sau:
(1) Quá trình thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải thường xuyên kiểm tra việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thông báo thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và thống nhất việc sử dụng, xử lý đối với thông tin, tài liệu thu thập được theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
(2) Trường hợp xét thấy cần gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 10 ngày, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ, tài liệu là căn cứ đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, quyết định việc gia hạn.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định gia hạn hoặc không gia hạn hoặc có văn bản yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng vào việc gì?
Căn cứ theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể như sau:
- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.
- Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
Như vậy, cơ quan điều tra có thể bí mật ghi âm, quay video sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra khi thuộc một trong các loại tội phạm theo quy định. Các file ghi âm, ghi hình bí mật đó chỉ được sử dụng vào các trường hợp như quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?