Có được sử dụng lao động cho thuê lại trong công việc nặng nhọc, độc hại không? Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng lao động cho thuê lại trong công việc nặng nhọc, độc hại?
Có được sử dụng lao động cho thuê lại trong công việc nặng nhọc, độc hại không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
"Điều 52. Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định."
Theo quy định trên hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Theo Điều 30 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động:
"Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này."
Theo đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động cụ thể như sau:
"1. Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký
2. Thư ký/Trợ lý hành chính
3. Lễ tân
4. Hướng dẫn du lịch
5. Hỗ trợ bán hàng
6. Hỗ trợ dự án
7. Lập trình hệ thống máy sản xuất
8.Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
9. Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất
10. Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
11. Biên tập tài liệu
12. Vệ sĩ/Bảo vệ
13. Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
14. Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
15. Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
16. Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
17. Lái xe
18. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển
19. Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí
20. Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay."
Theo đó, những công việc được thực hiện cho thuê lại lao động chỉ bao gồm 20 công việc được quy định nêu trên và trong đó không có công việc nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nên không được cho thuê lại lao động làm những công việc không nằm trong danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Tải về mẫu hợp đồng cho thuê lại lao động mới nhất 2023: Tại Đây
Sử dụng lao động cho thuê lại
Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng lao động cho thuê lại trong công việc nặng nhọc, độc hại?
Nếu cho bên cho thuê lại lao động vẫn cho thuê lại lao động làm việc ở những ngành, nghề khác với danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực;
c) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
d) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập;
đ) Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác;
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
g) Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao."
Ngoài ra tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
"1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Như vậy, sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân khi sử dụng lao động cho thuê lại không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân tức là 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trường hợp nào được sử dụng thuê lại lao động theo quy định?
Căn cứ quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 quy định nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:
"Điều 53. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động
1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động."
Như vậy theo quy định trên bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê trong trường hợp:
- Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
- Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
- Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài phát biểu tất niên xóm, tổ dân phố hay và ý nghĩa 2025? Bài phát biểu tất niên xóm ngắn gọn?
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?