Có được mua ô tô đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng hay không? Nếu được mua có bị liên đới trả nợ cho ngân hàng không?
Có được mua tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp
1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.
3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.
8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này."
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 321. Quyền của bên thế chấp
1. Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
2. Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
3. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
6. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết."
Như vậy, theo quy định tại khoản 8 Điều 320 nêu trên thì không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.
Được phép bán tài sản nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.
Nếu người bán được ngân hàng đồng ý cho bán, thì anh được phép mua tài sản thế chấp.
Lúc mua anh phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật, để trở thành chủ sở hữu xe.
Mua tài sản thế chấp có bị liên đới trả nợ cho ngân hàng? (Hình từ Internet)
Mua tài sản thế chấp có bị liên đới trả nợ cho ngân hàng không?
Khi anh đã là chủ xe rồi, việc người kia không tiếp tục trả tiền cho ngân hàng, anh có phải chịu trách nhiệm trả nợ thay hay không sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa anh, người kia và ngân hàng.
Trường hợp không có thỏa thuận về việc ai sẽ tiếp tục trả nợ, thì chủ cũ của chiếc xe vẫn có nghĩa vụ trả hết khoản nợ này cho ngân hàng như quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định.
"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Như vậy, để đảm bảo lợi ích của mình anh nên thỏa thuận với người bán và phía ngân hàng về quyền và trách nhiệm đối với tài sản thế chấp để không phải chịu các khoản nợ thay người khác.
Không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng thì có xử lý tài sản thế chấp là chiếc ô tô hay không?
Nếu các bên thỏa thuận anh là người tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng anh phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó.
Theo Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định."
Nếu anh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tài sản thế chấp sẽ bị xử lý theo phương thức quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngành quản lý tòa nhà trình độ cao đẳng là ngành gì? Ngành quản lý tòa nhà hệ cao đẳng có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp không?
- Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua bộ phận thường trực đến người có thẩm quyền trong thời hạn bao lâu?
- Quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được thiết kế như thế nào?
- Hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe từ 01/01/2025 thế nào?
- Cá nhân đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất?