Có cần phải chứng thực văn bản cam kết tài sản riêng của vợ hoặc chồng không? Nếu có thì cần phải chứng thực chữ ký hay chứng thực hợp đồng giao dịch?
Chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch được hiểu như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
...
4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch."
Có cần phải chứng thực văn bản cam kết tài sản riêng của vợ (hoặc chồng) hay không? Và nếu có thì cần phải chứng thực chữ ký hay chứng thực hợp đồng giao dịch?
Các trường hợp không được chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch?
Các trương hợp không được chứng thực chữ ký được quy định tại Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.
- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch thì các trường hợp không được chứng thực hợp đồng, giao dịch lại không được quy định cụ thể theo pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Có cần phải chứng thực văn bản cam kết tài sản riêng của vợ (hoặc chồng) hay không?
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực chữ ký và người thực hiện chứng thực chữ ký như sau:
- Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký; không được yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 25 của Nghị định này.
- Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản.
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch và người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau:
- Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 36 của Nghị định này.
- Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP còn quy định thêm như sau:
"3. Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch".
Như vậy trường hợp này của anh chia thành 2 trường hợp như sau:
- Nếu là một bên vợ/chồng lập cam kết này thì chỉ cần thực hiện chứng thực chữ ký là được. Đây là ý chí đơn phương của một bên chứ không phải là giao dịch.
- Nếu cả vợ và chồng cùng ký văn bản thỏa thuận rằng đó là tài sản riêng của một bên thì cần thực hiện thủ tục chứng thực giao dịch, hợp đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tem điện tử là gì? Hóa đơn điện tử là tem điện tử có ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử số mấy theo quy định?
- Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì có phải chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay không?
- Thông tin quản lý rủi ro trong quản lý thuế là gì? Thông tin quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thu thập từ các nguồn nào?
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Quỹ hỗ trợ nông dân có tư cách pháp nhân không?
- Mức chi đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cán bộ công đoàn? Đi học theo nguyện vọng cá nhân có được hỗ trợ học phí?