Có áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần hay không?
- Có áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần hay không?
- Đưa người có hành vi nguy hiểm cho xã hội vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần như thế nào?
- Nguyên tắc và kinh phí thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như thế nào?
Có áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị nghi ngờ mắc bệnh tâm thần hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 64/2011/NĐ-CP về đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra như sau:
"Trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp."
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015:
"Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự."
Theo đó, trường hợp cơ quan điều tra có nghi ngờ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần dẫn đến không có năng lực trách nhiệm hình sự thì có thể trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Sau khi giám định, nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận rằng người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Lúc này, Viện kiểm sát sẽ xem xét và đưa ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng trên.
Đưa người có hành vi nguy hiểm cho xã hội vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần như thế nào?
Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần theo quy định tại Điều 8 Nghị định 64/2011/NĐ-CP như sau:
- Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan điều tra đã, đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, lực lượng Cảnh vệ tư pháp hoặc phối hợp với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (trong trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang bị giam giữ tại Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Trong giai đoạn thi hành án, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm giam, thì Trại giam, Trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức đưa họ đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ, thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi có Nhà tạm giữ có trách nhiệm tổ chức đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần được Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải thông báo ngay cho thân nhân người bị bắt buộc chữa bệnh biết, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh không có thân nhân hoặc không xác định được thân nhân thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
Bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra
Nguyên tắc và kinh phí thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định như thế nào?
(1) Nguyên tắc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh: quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2011/NĐ-CP
- Tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Kết hợp giữa quản lý với điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người bị bắt buộc chữa bệnh.
- Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt buộc chữa bệnh và ngăn ngừa họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
(2) Kinh phí thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh: quy định tại Điều 4 Nghị định 64/2011/NĐ-CP
- Kinh phí bảo đảm cho thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp, bao gồm: kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc điều trị y tế và quản lý người bị bắt buộc chữa bệnh; lập hồ sơ, trưng cầu giám định, tổ chức đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần, truy tìm người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn; chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc, điều trị y tế cho người bị bắt buộc chữa bệnh, giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết.
- Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ chi kinh phí cho từng hoạt động cụ thể do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn.
Như vậy, trong giai đoạn điều tra, trường hợp cơ quan điều tra nhận thấy người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần làm mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ tiến hành các thủ tục để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đúng theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu sơ yếu lý lịch cá nhân của sáng lập viên thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội? Điều kiện đối với sáng lập viên thành lập quỹ?
- Bảo đảm hoàn thành sắp xếp CBCCVC dôi dư sau 5 năm tinh gọn bộ máy hành chính theo Công văn 7968?
- Thời điểm xuất hóa đơn GTGT hàng xuất khẩu theo Nghị định 123? Xuất khẩu hàng hóa được sử dụng hóa đơn GTGT?
- Trình tự thủ tục cấp Giấy phép trang bị vũ khí quân dụng theo Quyết định 9312 thực hiện như thế nào?
- Mật độ xây dựng thuần không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình nào? Quy định về mật độ xây dựng thuần?