Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ được thực hiện thông qua những hình thức nào, dựa trên nguyên tắc gì?
- Hối phiếu đòi nợ có những hình thức chuyển nhượng nào?
- Trường hợp không được chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ
- Hối phiếu đòi nợ được chuyển nhượng theo nguyên tắc nào?
- Quyền và nghĩa vụ của người ký chuyển nhượng được quy định như thế nào?
- Người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống có những quyền gì?
Hối phiếu đòi nợ có những hình thức chuyển nhượng nào?
Hối phiếu đòi nợ có những hình thức chuyển nhượng nào?
Theo Điều 27 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người thụ hưởng chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ theo một trong các hình thức sau đây:
- Ký chuyển nhượng;
- Chuyển giao.
Cụ thể từng hình thức chuyển nhượng được quy định như sau:
(1) Chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng: Tại Điều 30 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, như sau:
- Chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách ký vào mặt sau hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.
- Việc chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng được áp dụng đối với tất cả hối phiếu đòi nợ, trừ hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Hình thức và nội dung ký chuyển nhượng: quy định tại Điều 31 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005:
+ Việc chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng phải được người thụ hưởng viết, ký trên mặt sau của hối phiếu đòi nợ.
+ Người chuyển nhượng có thể ký chuyển nhượng theo một trong hai hình thức sau đây:
++ Ký chuyển nhượng để trống;
++ Ký chuyển nhượng đầy đủ.
+ Khi chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống, người chuyển nhượng ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng. Việc ký chuyển nhượng cho người cầm giữ hối phiếu là ký chuyển nhượng để trống.
+ Khi chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng đầy đủ, người chuyển nhượng ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và phải ghi đầy đủ tên của người được chuyển nhượng, ngày chuyển nhượng.
(2) Chuyển nhượng bằng chuyển giao: Theo quy định tại Điều 33 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005:
- Chuyển nhượng bằng chuyển giao là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.
- Việc chuyển nhượng bằng chuyển giao được áp dụng đối với các hối phiếu đòi nợ sau đây:
+ Hối phiếu đòi nợ được ký phát trả cho người cầm giữ;
+ Hối phiếu đòi nợ chỉ có một chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống;
+ Hối phiếu đòi nợ có chuyển nhượng cuối cùng là ký chuyển nhượng để trống.
Trường hợp không được chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ
Theo Điều 28 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng nếu trên hối phiếu đòi nợ có ghi cụm từ “không được chuyển nhượng”, “cấm chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự.
Hối phiếu đòi nợ được chuyển nhượng theo nguyên tắc nào?
Nguyên tắc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ được quy định tại Điều 29 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 như sau:
(1) Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ là chuyển nhượng toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ. Việc chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ không có giá trị.
(2) Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho hai người trở lên không có giá trị.
(3) Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng ký chuyển nhượng phải là không điều kiện. Người chuyển nhượng không được ghi thêm trên hối phiếu đòi nợ bất kỳ điều kiện nào ngoài nội dung quy định tại Điều 31 của Luật này. Mọi điều kiện kèm theo việc ký chuyển nhượng không có giá trị.
(4) Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ là sự chuyển nhượng tất cả các quyền phát sinh từ hối phiếu đòi nợ.
(5) Hối phiếu đòi nợ quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận hoặc đã bị từ chối thanh toán thì không được chuyển nhượng.
(6) Người thụ hưởng có thể chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người chấp nhận, người ký phát hoặc người chuyển nhượng.
Quyền và nghĩa vụ của người ký chuyển nhượng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 32 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, quyền và nghĩa vụ của người ký chuyển nhượng được quy định như sau:
(1) Người ký chuyển nhượng có nghĩa vụ bảo đảm hối phiếu đòi nợ đã chuyển nhượng sẽ được chấp nhận và thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Khi hối phiếu này bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán một phần hoặc toàn bộ, người ký chuyển nhượng có nghĩa vụ thanh toán số tiền bị từ chối của hối phiếu đòi nợ đã chuyển nhượng.
(2) Người ký chuyển nhượng có thể không cho chuyển nhượng tiếp hối phiếu đòi nợ bằng cách ghi thêm cụm từ “không chuyển nhượng”, “cấm chuyển nhượng” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự trong nội dung ký chuyển nhượng trên hối phiếu đòi nợ; trường hợp hối phiếu đòi nợ được tiếp tục chuyển nhượng thì người ký chuyển nhượng này không có nghĩa vụ thanh toán đối với người nhận chuyển nhượng sau đó.
Người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống có những quyền gì?
Căn cứ quy định tại Điều 34 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng hình thức chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống có các quyền sau đây:
(1) Điền vào chỗ trống tên của mình hoặc tên của người khác;
(2) Tiếp tục ký chuyển nhượng để trống hối phiếu đòi nợ bằng cách ký trên hối phiếu đòi nợ;
(3) Tiếp tục chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người khác bằng chuyển giao;
(4) Ký chuyển nhượng đầy đủ hối phiếu đòi nợ.
Như vậy, hối phiếu đòi nợ được chuyển nhượng thông qua 2 hình thức là ký chuyển nhượng và chuyển giao. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo những nguyên tắc luật định, đảm bảo diễn ra một cách đúng đắn, hợp lý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân gồm những hình phạt nào? Hình phạt cao nhất là gì?