Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Để tham gia dự tuyển cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?
Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Luật giáo dục 2019 có quy định như sau:
Văn bằng, chứng chỉ
...
3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
...
Bên cạnh đó, tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 có quy định về yêu cầu đối với trình độ của giáo viên như sau:
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó có thể hiểu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là loại chứng chỉ chứng minh cá nhân đã hoàn thành khóa học đào tạo nghiệp vụ sư phạm dành cho những người không được đào tạo chuyên ngành sư phạm.
Để trở thành nhà giáo thì cá nhân cần phải có bằng cử nhân chuyên nghành và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì? Để tham gia dự tuyển cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Để tham gia dự tuyển cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?
Theo Điều 9 Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định 31/2008/QĐ-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 27/2012/TT-BGDĐT), để được tham gia dự tuyển cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cá nhân cần đáp ứng những điều kiện sau:
(1) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.
(2) Có đủ sức khoẻ để tham gia bồi dưỡng.
(3) Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn theo quy định của cơ sở bồi dưỡng
Theo Điều 10 Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định 31/2008/QĐ-BGDĐT (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 27/2012/TT-BGDĐT) thì hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng do cơ sở bồi dưỡng được giao nhiệm vụ quy định.
Cá nhân có nhu cầu xét tuyển phải nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cơ sở bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước khi xét tuyển
Căn cứ theo Điều 13 Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định 31/2008/QĐ-BGDĐT, cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định.
Tuy nhiên, ngoài việc hoàn thành chương trình học, cá nhân cũng cần đảm bảo bản thân không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ.
Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho các học viên đạt các điều kiện.
Lưu ý: Mẫu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Mục tiêu của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học hiện nay là gì?
Theo Mục I Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2013/TT-BGDĐT thì mục tiêu của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học hiện nay như sau:
* Mục tiêu chung
Trang bị kiến thức và kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản về giảng dạy đại học cho các đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, nhằm bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
* Mục tiêu cụ thể
(1) Về kiến thức
Người học được trang bị:
- Các kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục học đại học; vai trò và sứ mệnh của giáo dục đại học, những xu hướng phát triển của giáo dục đại học hiện đại;
- Các kiến thức cơ bản về tâm lí học, lí luận dạy học đại học, phương pháp và kĩ thuật dạy học đại học;
- Những vấn đề cơ bản về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
(2) Về kĩ năng
Người học được cung cấp:
- Các kĩ năng thiết kế kế hoạch dạy học, tổ chức bài học và hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học;
- Các kĩ năng xây dựng, phát triển chương trình dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở đại học; kĩ năng nghiên cứu khoa học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học;
- Các kĩ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá quá trình dạy học; kĩ năng đọc, viết, trình diễn và giao tiếp trong quá trình dạy học;
- Các kĩ năng tổ chức và quản lí trường đại học, cao đẳng (cấp bộ môn, khoa), quản lí người học theo quy định và nhiệm vụ của giảng viên.
(3) Về thái độ
Giúp người học:
- Hình thành ý thức nghề nghiệp, đạo đức và tác phong sư phạm mẫu mực của nhà giáo trong cơ sở giáo dục đại học;
- Hình thành lòng say mê và hứng thú trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học;
- Thể hiện thái độ khách quan, khoa học trong tổ chức và quản lí quá trình dạy học.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã sau khi bãi nhiệm thì còn chịu trách nhiệm với những quyết định trước đó không?
- Nguyên tắc làm việc Cục Hàng không Việt Nam được quy định ra sao? Cách thức giải quyết công việc của Lãnh đạo Cục HKVN?
- Công an huyện có thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân không? Chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân là ai?
- Cán bộ công chức viên chức được nâng lương trong trường hợp nào khi thực hiện sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP?
- Cấp chính quyền địa phương ở quận gồm những cơ quan nào? Nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương ở quận?