Chứng chỉ hành nghề dược mất giá trị khi nào? Người hành nghề bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề dược khi phụ trách những công việc nào?
Chứng chỉ hành nghề dược mất giá trị khi nào?
Theo quy định pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về các trường hợp Chứng chỉ hành nghề dược mất giá trị. Chứng chỉ hành nghề dược mất giá trị có thể hiểu là Chứng chỉ hành nghề dược không còn giá trị sử dụng và các cá nhân không thể tiếp tục sử dụng chứng chỉ phục vụ cho hành nghề dược theo quy định pháp luật.
Và căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Dược 2016 quy định như sau:
Quản lý Chứng chỉ hành nghề dược
1. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề dược. Trên Chứng chỉ hành nghề dược ghi đầy đủ phạm vi hành nghề mà người có Chứng chỉ hành nghề dược đáp ứng điều kiện và được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề dược không quy định thời hạn hiệu lực và có giá trị trong phạm vi cả nước.
Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án hoặc không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
...
Theo đó, Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực trong trường hợp:
- Người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án;
- Người hành nghề không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
Đồng thời người hành nghề thuộc các trường hợp tại Điều 28 Luật Dược 2016 sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược:
(1) Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền.
(2) Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược của mình.
(3) Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
(4) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
(5) Cá nhân có từ 02 Chứng chỉ hành nghề dược trở lên.
(6) Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược.
(7) Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc khoản 2 Điều 14 của Luật này.
(8) Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục.
(9) Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
(10) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
(11) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Chứng chỉ hành nghề dược từ 02 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm."
Như vậy, chứng chỉ hành nghề dược thuộc các trường hợp hết hiệu lực hoặc các trường hợp bị thu hồi nêu trên thì sẽ không còn giá trị sử dụng theo quy định.
Chứng chỉ hành nghề dược mất giá trị khi nào? Người hành nghề bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề dược khi phụ trách những công việc nào? (Hình từ Internet)
Người hành nghề bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề dược khi phụ trách những công việc gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Dược 2016 về những vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược như sau:
Vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược
1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược.
2. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
3. Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, người hành nghề phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc và công tác dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh thì bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề dược.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược cũng cần phải có Chứng chỉ hành nghề dược.
Người hành nghề dược tại vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược mà không có Chứng chỉ hành nghề dược bị phạt bao nhiêu?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định, theo điểm b khoản 2 Điều 52 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về hành nghề dược
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giả mạo một trong các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược;
b) Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, trường hợp người hành nghề dược tại vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược mà không có Chứng chỉ hành nghề dược thì khi phát hiện vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?
- Tải về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mới nhất? Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu do ai quy định?
- Mẫu báo cáo theo Nghị định 30? Tải về Mẫu báo cáo văn bản hành chính? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo?
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?