Chùa là cơ sở tôn giáo hay cơ sở tín ngưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành? Để xây dựng chùa thì cần đảm bảo đáp ứng điều kiện gì?
Chùa là cơ sở tôn giáo hay cơ sở tín ngưỡng?
Chùa là cơ sở tôn giáo hay cơ sở tín ngưỡng?
Căn cứ quy định cụ thể tại khoản 4 và khoản 14 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
4. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.
...
14. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo."
Để hiểu rõ hơn, khoản 1 và khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cũng có quy định cụ thể về tín ngưỡng và tôn giáo như sau:
" 1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
..
5. Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức."
Như vậy, có thể hiểu cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện những hoạt động tín ngưỡng của người dân, dựa trên cơ sở là niềm tin của họ. Ở đây, người dân tiến hành những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của mình. Bên cạnh đó, cơ sở tôn giáo là nơi người dân thể hiện niềm tin với hệ thống quan niệm và hoạt động của mình bao gồm những đối tượng mà họ tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Dựa trên cơ sở đó, có thể dễ dàng nhận thấy, chùa là cơ sở tôn giáo, không phải cơ sở tín ngưỡng.
Để xây dựng mới cơ sở tôn giáo là chùa thì cần thực hiện theo quy định nào?
Theo quy định tại Điều 58 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, việc xây dựng mới công trình tôn giáo được quy định như sau:
"Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo
1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.
3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng."
Có thể thấy, để tiến hành xây dựng mới một cơ sở tôn giáo, cá nhân, tổ chức cần đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trường hợp có phát sinh xây dựng công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo thì công trình này cũng được thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.
Người nước ngoài được phép sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo Việt Nam hay không?
Tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:
"1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này."
Dựa trên quy định đó, pháp luật quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với riêng người nước ngoài cư trú tại Việt Nam tại Điều 8 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:
"Điều 8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam
1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền:
a) Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;
b) Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung;
c) Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;
d) Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;
đ) Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam."
Có thể thấy, người nước ngoài trong trường hợp cư trú hợp pháp tại Việt Nam hoàn toàn có quyền được sinh hoạt tôn giáo, tham gia các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.
Như vậy, chùa được xác định là một cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc xây dựng chùa nói riêng và cơ sở tôn giáo nói chung được thực hiện dựa trên quy định cụ thể của pháp luật về xây dựng và về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, đối với những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, pháp luật nước ta hoàn toàn cho phép họ có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện điển hình thông qua việc được phép sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần mới nhất?
- Đáp án Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về cải cách hành chính và chuyển đổi số thành phố Thuận An Tuần 3 Đề 1?
- Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc nào? Số bổ sung cân đối ngân sách nhà nước là gì?
- Mẫu kế hoạch phát triển đảng viên của chi bộ mới nhất? Phát triển đảng viên là nhiệm vụ thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ?
- Ai có quyền bãi bỏ thiết quân luật? Bãi bỏ thiết quân luật khi nào? Biện pháp đặc biệt được áp dụng khi thi hành thiết quân luật?