Chơi lô tô vào dịp Tết Âm lịch có bị xem là đánh bạc trái phép? Chơi lô tô với số tiền đặt cược bao nhiêu sẽ bị xử lý hình sự?
Chơi lô tô vào dịp Tết Âm lịch có bị xem là đánh bạc trái phép hay không?
Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP đã giải thích đánh bạc trái phép như sau:
Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự
1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
...
Tuy hiện tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế nhưng vẫn còn giá trị tham khảo.
Theo đó, trường hợp chơi lô tô với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp thì được xác định là đánh bạc trái phép.
Lô tô là một trò chơi phổ biến vào dịp Tết Âm lịch, ngoài các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép mà thường thấy là các đoàn lô tô chuyên nghiệp, việc tổ chức và chơi lô tô tự phát với mục đích ăn thua bằng tiền là hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp người chơi lô tô chỉ với mục đích giải trí đơn thuần, không ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật khác thì không vi phạm pháp luật và sẽ không bị xử phạt.
Chơi lô tô vào dịp Tết Âm lịch có bị xem là đánh bạc trái phép hay không? (Hình từ Internet)
Chơi lô tô với số tiền đặt cược bao nhiêu có thể bị xử lý hình sự?
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội đánh bạc như sau:
Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, người chơi lô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi được xác định là đánh bạc trái phép (dưới bất kỳ hình thức nào), được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trường hợp này người chơi lô tô ăn tiền có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì người chơi lô tô ăn tiền có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
- Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh bạc;
- Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người chơi lô tô ăn tiền còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tổ chức chơi lô tô ăn thua bằng tiền bị phạt hành chính bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi đánh bạc trái phép như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
...
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
...
Theo đó, hành vi tổ chức chơi lô tô ăn thua bằng tiền có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm có thể áp dụng mức phạt bằng 02 lần cá nhân (Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ai được gặp phạm nhân? Tải về mẫu đơn xin gặp mặt phạm nhân mới nhất hiện nay? Trách nhiệm của người gặp?
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc trước khi khởi kiện đúng không?
- Kế toán chi tiết là gì? Sổ kế toán có bao gồm sổ kế toán chi tiết theo quy định pháp luật về kế toán?
- Hướng dẫn viết báo cáo giám sát đảng viên của chi bộ? Có bao nhiêu hình thức giám sát của Đảng?
- Máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công trong hợp đồng gia công cho nước ngoài tại Việt Nam được xử lý bằng hình thức nào?