Chỉ giới là gì? Xây nhà vượt quá chỉ giới xây dựng có bị xử phạt không? Hướng dẫn cách xem chỉ giới xây dựng hiện nay?
Chỉ giới xây dựng là gì?
Hiện nay pháp luật về xây dựng nước ta đã có quy định về chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ.
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
5. Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.”
Theo đó, chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới xác định phần đất nào được sử dụng để xây dựng công trình và phần đất nào được sử dụng để làm đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian khác.
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
6. Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.”
Như vậy thì chỉ giới xây dựng chính là đường dùng để giới hạn phần diện tích đất được phép xây dụng công trình chính trên thửa đất.
Chỉ giới là gì? Xây nhà vượt quá chỉ giới xây dựng có bị xử phạt không? Hướng dẫn cách xem chỉ giới xây dựng hiện nay? (Hình từ internet)
Xây dựng nhà ở vượt quá chỉ giới xây dựng thì có bị xử phạt không?
Căn cứ vào khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 16. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
…
9. Xử phạt đối với hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt như sau:
a) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.”
Như đã đề cập ở nội dung trên thì chỉ giới xây dựng chính là đường ranh để xác định giới hạn phần diện tích được phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.
Do đó, nếu như xây dựng nhà ở vượt quá chỉ giới xây dựng thì sẽ không đúng với quy hoạch xây dựng. Do đó, sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, căn cứ vào điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 16. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng
…
15. Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm với các hành vi quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 9, khoản 10, khoản 12, khoản 13 Điều này.”
Theo đó, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người vi phạm còn sẽ phải phá dỡ công trình, phần công trình vượt quá chỉ giới xây dựng theo quy định nêu trên.
Mức xử phạt hành chính theo quy định trên chỉ áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức xử phạ hành chính sẽ bằng 1/2 so với tổ chức.
Xem chỉ giới xây dựng như thế nào?
- Cách 1: Yêu cầu cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cung cấp thông tin chỉ giới xây dựng
Căn cứ vào Điều 43 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) quy định như sau:
“Điều 43. Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng
1. Việc cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng được thực hiện dưới các hình thức sau:
a) Công khai hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, đăng tải trên trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng;
b) Giải thích trực tiếp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Cung cấp thông tin bằng văn bản giấy, văn bản điện tử theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Phát hành ấn phẩm về quy hoạch.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin khi có yêu cầu. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm xây dựng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng và thông tin khác liên quan đến quy hoạch xây dựng khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu trong phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng do mình quản lý.
Đối với trường hợp cung cấp thông tin bằng văn bản, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có yêu cầu, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
3. Cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thời gian cung cấp thông tin và độ chính xác của các tài liệu, số liệu đã cung cấp.”
Như vậy, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm xây dựng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đổ,…
Do đó, tổ chức, cá nhân có yêu cầu có thể đề nghị cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cung cấp thông tin về chỉ giới xây dựng.
- Cách 2: Xem chỉ giới xây dựng trên giấy phép xây dựng
Căn cứ vào Điều 90 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:
“Điều 90. Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng
1. Tên công trình thuộc dự án.
2. Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
3. Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
4. Loại, cấp công trình xây dựng.
5. Cốt xây dựng công trình.
6. Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
7. Mật độ xây dựng (nếu có).
8. Hệ số sử dụng đất (nếu có).
9. Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
10. Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.”
Theo quy định trên thì chỉ giới xây dựng là một trong những nội dung của giấy phép xây dựng. Do đó, tổ chức, cá nhân có thể xem chỉ giới xây dựng trên giấy phép xây dựng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án dầu khí ở nước ngoài là gì? Để thực hiện hoạt động hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài nhà đầu tư được làm những gì?
- Có được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
- Trong giáo dục, niên chế nghĩa là gì? Đối với giáo dục đại học, chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo niên chế hay theo tín chỉ?
- Tảo mộ là gì? Đi tảo mộ vào ngày mấy Tết Âm lịch? Nghỉ Tết Âm lịch bắt đầu từ ngày mấy Dương lịch?
- Cá nhân đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất có được gửi hồ sơ qua bưu điện không?