Chánh Thanh tra tỉnh được quyền quyết định thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra của cơ quan nào?
Chánh Thanh tra tỉnh được quyền quyết định thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra của cơ quan nào?
Căn cứ Nghị định 43/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022.
Tại Điều 18 Nghị định 43/2023/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền thanh tra lại như sau:
Thẩm quyền thanh tra lại
1. Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc đã có kết luận của Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
3. Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Như vậy, theo nội dung nêu trên thì Chánh Thanh tra tỉnh có quyền quyết định thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Chánh Thanh tra tỉnh được quyền quyết định thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra của cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Căn cứ để Chánh Thanh tra tỉnh ra quyết định thanh tra lại là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Thanh tra 2022, việc thanh tra lại được thực hiện khi có 01 trong 05 căn cứ sau:
- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục;
- Có sai lầm trong áp dụng pháp luật khi kết luận;
- Nội dung kết luận không phù hợp với chứng cứ thu thập trong quá trình tiến hành thanh tra;
- Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
- Đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
Cụ thể, việc xác định các căn cứ nêu trên được hướng dẫn tại Điều 19 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:
Căn cứ thanh tra lại
Căn cứ thanh tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Thanh tra, cụ thể như sau:
1. Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra bao gồm: không xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.
2. Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra bao gồm: áp dụng không đúng quy phạm của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra.
3. Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện.
4. Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc.
5. Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra trước đó.
Như vậy, Chánh Thanh tra tỉnh có quyền quyết định thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đa có kết luận của Thanh tra huyện khi có 01 trong các căn cứ nêu trên.
Quyết định thanh tra lại bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:
Quyết định thanh tra lại
1. Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung sau đây:
a) Căn cứ ra quyết định thanh tra lại;
b) Phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra lại;
c) Thời hạn thanh tra lại;
d) Thành lập Đoàn thanh tra lại, bao gồm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên khác của Đoàn thanh tra.
Như vậy, quyết định thanh tra lại sẽ bao gồm 04 nội dung trên.
Trong đó, kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người có thẩm quyền phải gửi quyết định cho người đã ký kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra lại trong thời gian chậm nhất 05 ngày.
Đồng thời, công bố quyết định thanh tra chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký.
Nghị định 43/2023/NĐ-CP được áp dụng kể từ ngày 15/8/2023.
Xem toàn bộ Nghị định 43/2023/NĐ-CP Tại đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hoạt động trong những lĩnh vực nào thì được giảm thuế TNDN?
- Cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu bao nhiêu lượt khách lưu trú thì được công nhận khu du lịch cấp tỉnh?
- Thông thầu bao gồm các hành vi nào? Người có hành vi thông thầu bị đi tù không? Mức phạt tù cao nhất đối với hành vi thông thầu?
- Thông quan là gì? Hàng hóa được thông quan khi nào? Cụ thể quyền, nghĩa vụ người khai hải quan?
- Tổ chức Đảng vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo gây hậu quả ít nghiêm trọng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong trường hợp nào?