Cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự gồm các các biện pháp nào?
Căn cứ theo Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì quy định về xác minh, thu thập chứng cứ như sau:
(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:
- Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
- Thu thập vật chứng;
- Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;
- Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;
- Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
(2) Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
- Trưng cầu giám định;
- Định giá tài sản;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
- Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
- Các biện pháp khác theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ theo Điều 489 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng như sau:
Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án;
2. Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng;
3. Từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật;
4. Cố ý dịch sai sự thật;
5. Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng;
6. Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định;
7. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
8. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
9. Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa.
Như vậy, việc cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Thẩm phán tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong giai đoạn nào?
Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn chuẩn bị xét xử
...
2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
...
Như vậy, thẩm phán tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hóa đơn điện tử bị sai nội dung hàng hóa chưa gửi cho người mua thì xử lý như thế nào? Các bên sử dụng thông tin hóa đơn điện tử?
- Đi tù về có được vay vốn ngân hàng theo Quyết định 22 hay không? Thời hạn cho vay là bao nhiêu lâu?
- Cách viết đơn xin giao đất mới nhất theo Nghị định 102? Diện tích đất tính tiền sử dụng đất được quy định thế nào?
- Mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm của DN sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay?
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?