Cần tiến hành các thủ tục gì để thành lập điểm du lịch? Điểm du lịch không có hướng dẫn viên du lịch có được không?
Điểm du lịch là gì?
Khoản 7 Điều 3 Luật Du lịch 2017 định nghĩa điểm du lịch như sau:
Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.
Điểm du lịch phải đáp ứng các tiêu chí gì?
Điều 11 Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện công nhận điểm du lịch như sau:
(1) Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.
(2) Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch, bao gồm:
- Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi;
- Có điện, nước sạch;
- Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch;
- Có dịch vụ ăn uống, mua sắm.
(3) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm:
- Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;
- Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch;
- Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;
- Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;
- Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
- Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Thành lập điểm du lịch
Muốn thành lập điểm du lịch cần làm những thủ tục gì?
Điều 24 Luật Du lịch 2017 (trong đó điểm a khoản 1 Điều này được hướng dẫn bởi điểm a khoản 2 Điều 18 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định về thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục như sau:
(1) Hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận điểm du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
- Bản thuyết minh về điều kiện công nhận điểm du lịch quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
(2) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị công nhận điểm du lịch được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý điểm du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về du lịch (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh) nơi có điểm du lịch;
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch trong trường hợp điểm du lịch không còn bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.”
Trong đó mẫu đơn đề nghị công nhận điểm du lịch là Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Như vậy, để được công nhận là điểm du lịch thì phải đáp ứng được 3 điều kiện chính sau:
Có tài nguyên du lịch, ranh giới xác định; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết; Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Đáp ứng được các điều kiện đó thì công ty anh chị cần chuẩn bị hồ sơ nộp tại cơ quan có thẩm quyền để được công nhận là điểm du lịch.
Điểm du lịch không có hướng dẫn viên du lịch được không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 45/2019/NĐ-CP xử phạt đối với điểm du lịch như sau:
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch theo quy định;
b) Không có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày;
c) Không có bộ phận cứu hộ, cứu nạn theo quy định;
d) Không cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch theo quy định;
đ) Không có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý theo quy định;
e) Không bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường theo quy định.
Qua đó, điểm du lịch không có hướng dẫn viên du lịch sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tuy nhiên đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn mức xử phạt đối với tổ chức sẽ nhân đôi (khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?
- Hướng dẫn quy trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng mới nhất hiện nay? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng là gì?