Cam kết chi ngân sách nhà nước thông qua Kho bạc Nhà nước được kiểm soát dựa trên nguyên tắc và thủ tục nào?
- Đối tượng nào liên quan đến việc kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước?
- Việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
- Kiểm soát cam kết chi qua ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo thủ tục nào?
Đối tượng nào liên quan đến việc kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước?
Cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 89/2021/TT-BTC, những đối tượng thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước bao gồm:
(1) Đối tượng thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi
a) Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước).
b) Các đơn vị Kho bạc Nhà nước.
(2) Đối tượng được chia sẻ thông tin báo cáo cam kết chi
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (gồm: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 89/2021/TT-BTC như sau:
(1) Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán hàng năm đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (bao gồm dự toán ứng trước), có hợp đồng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp có sự điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng từ mức không phải thực hiện kiểm soát cam kết chi lên mức phải thực hiện kiểm soát cam kết chi thì đơn vị sử dụng ngân sách không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi.
Đối với hợp đồng đã thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi, trường hợp điều chỉnh giá trị hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh số tiền đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải làm thủ tục điều chỉnh cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.
Đối với chi thường xuyên, trường hợp hợp đồng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, có thời gian thực hiện trong 01 năm ngân sách, trong quá trình thực hiện, đơn vị điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng từ 01 năm ngân sách lên 02 năm ngân sách thì đơn vị không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.
(2) Các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước phải được hạch toán bằng đồng Việt Nam; các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ được theo dõi theo nguyên tệ, đồng thời, được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ hàng tháng do Bộ Tài chính quy định để hạch toán cam kết chi theo quy định tại Điều 14 Thông tư 89/2021/TT-BTC.
Trường hợp khoản cam kết chi ngân sách nhà nước có nhiều nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạch toán chi tiết theo số tiền được cam kết chi của từng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
(3) Cam kết chi chỉ được thanh toán khi số tiền đề nghị thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng số tiền chưa được thanh toán của khoản cam kết chi đó. Trường hợp số tiền đề nghị thanh toán lớn hơn số tiền còn lại chưa được thanh toán của khoản cam kết chi, trước khi làm thủ tục thanh toán cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch điều chỉnh số tiền của khoản cam kết chi đó phù hợp với số tiền đề nghị thanh toán và đảm bảo đúng quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 89/2021/TT-BTC.
(4) Hết năm ngân sách, trường hợp các khoản cam kết chi không được phép chuyển nguồn sang năm sau, Kho bạc Nhà nước thực hiện hủy cam kết chi. Trường hợp các khoản cam kết chi được phép chuyển nguồn sang năm sau thì việc chuyển nguồn cam kết chi thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 89/2021/TT-BTC.
Kiểm soát cam kết chi qua ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo thủ tục nào?
Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 11/2020/NĐ-CP như sau:
(1) Tên thủ tục hành chính: Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
(2) Cách thức thực hiện:
a) Gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Kho bạc Nhà nước.
b) Gửi hồ sơ và nhận kết quả qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước trong trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước (đơn vị truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước).
(3) Trình tự thực hiện:
a) Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi hoặc đề nghị điều chỉnh cam kết chi tới Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
b) Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục cam kết chi và gửi 01 liên giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi có xác nhận của Kho bạc Nhà nước cho đơn vị bằng văn bản giấy hoặc qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước gửi thông báo từ chối cam kết chi ngân sách nhà nước cho đơn vị (trong đó nêu rõ lý do từ chối) bằng văn bản giấy hoặc qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.
(4) Thành phần và số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ:
Trường hợp đề nghị cam kết chi: Dự toán năm (đối với chi thường xuyên), kế hoạch vốn đầu tư năm (đối với chi đầu tư) được cấp có thẩm quyền giao; giấy đề nghị cam kết chi ngân sách nhà nước; hợp đồng (gửi một lần khi có phát sinh hoặc thay đổi).
Trường hợp đề nghị điều chỉnh cam kết chi: Dự toán năm (đối với chi thường xuyên nếu có điều chỉnh), kế hoạch vốn đầu tư năm (đối với chi đầu tư nếu có điều chỉnh) được cấp có thẩm quyền giao; hợp đồng (nếu có điều chỉnh); giấy điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước.
b) Số lượng hồ sơ: Số lượng của từng thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều này là 01 bản (bản chính hoặc bản sao y bản chính). Riêng giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước là 02 bản gốc.
Đối với trường hợp gửi hồ sơ qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các thành phần hồ sơ phải được ký chữ ký số theo quy định.
(5) Thời hạn giải quyết: Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ khi Kho bạc Nhà nước nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp của đơn vị.
(6) Đối tượng thực hiện: Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
(7) Cơ quan giải quyết: Kho bạc Nhà nước.
(8) Kết quả thực hiện:
a) Trường hợp Kho bạc Nhà nước chấp thuận đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi của đơn vị: Xác nhận của Kho bạc Nhà nước trực tiếp trên giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước; trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước gửi xác nhận chấp thuận đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.
b) Trường hợp Kho bạc Nhà nước từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi của đơn vị: Thông báo từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi bằng văn bản của Kho bạc Nhà nước; trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước gửi thông báo từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.
(9) Mẫu tờ khai:
a) Giấy đề nghị cam kết chi ngân sách nhà nước hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước được quy định tương ứng theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 11/2020/NĐ-CP.
b) Ngoài các chỉ tiêu thông tin mà đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải kê khai trên giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước quy định tại điểm a khoản 9 Điều này, cơ quan hoặc tổ chức phát hành giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước có thể điều chỉnh định dạng, thêm lô gô, hình ảnh hoặc các chỉ tiêu thông tin khác theo yêu cầu quản lý của mình và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo không được bổ sung thêm các chỉ tiêu thông tin khác liên quan đến đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.
Như vậy, việc kiểm soát, quản lý cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được đảm bảo thực hiện, tuân thủ theo các quy định tại Thông tư 89/2021/TT-BTC nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bệnh thận mạn là gì? Triệu chứng lâm sàng bệnh thận mạn? Các biến chứng của bệnh thận mạn như thế nào?
- Mẫu Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng quan hệ xã hội về thủ tục ban hành quyết định hành chính?
- Báo cáo tổng kết công tác đội và phong trào thiếu nhi? Tải Mẫu Báo cáo tổng kết công tác đội mới nhất?
- Ngày 20 tháng 12 có sự kiện gì? Ngày 20 tháng 12 là thứ mấy? Ngày 20 12 có phải ngày lễ lớn của nước ta?
- Hợp đồng cho thuê lại lao động không được thỏa thuận về những nội dung nào? Thời hạn cho thuê lại lao động?