Cách ghi xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu từ một nước không phải nước sản xuất như thế nào?
Trên nhãn hàng hóa nhập khẩu có bắt buộc ghi xuất xứ hàng hóa hay không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa
...
2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
a) Tên hàng hóa;
b) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
...
Theo đó thông tin về xuất xứ hàng hóa là một trong những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Cách ghi xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu từ một nước không phải nước sản xuất như thế nào? (Hình từ Internet)
Cách ghi xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu từ một nước không phải nước sản xuất như thế nào?
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) Quy định về nhãn hàng hóa có nêu như sau:
Xuất xứ hàng hóa
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
2. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
3. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
4. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa có quy định:
Giải thích từ ngữ
Theo Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
...
Như vậy, đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa sẽ phải ghi tên nước sản xuất ra hàng hóa đó mà không phải ghi nước nhập khẩu lại.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Cơ quan nào có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa?
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định:
Bộ Khoa học và Công nghệ
1. Xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về nhãn hàng hóa.
2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa.
3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thống nhất quản lý về nhãn hàng hóa.
Theo đó thì Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa xuất nhập khẩu bị hư hỏng thì không phải nộp thuế đúng không? 23 trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu?
- Gợi ý kết quả khắc phục những hạn chế khuyết điểm của chi bộ tại báo cáo kiểm điểm chi bộ mới nhất?
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 2030 nêu phương hướng nhiệm vụ giải pháp: Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng thủ quân khu thành khu vực gì?
- Báo cáo thành tích cá nhân Bí thư chi bộ cuối năm 2024? Tải báo cáo thành tích của Bí thư chi bộ thôn cuối năm?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất phi nông nghiệp không phải đất ở có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở không?