Các trường hợp áp dụng biện pháp chống gian lận xuất xứ? Khi phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?
Biện pháp chống gian lận xuất xứ được áp dụng trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP thì các biện pháp chống gian lận xuất xứ được cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
(1) Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 3 tháng kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền;
(2) Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát hiện việc thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
(3) Thu hồi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp và tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiến hành hậu kiểm.
Biện pháp chống gian lận xuất xứ được áp dụng trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Khi phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?
Trường hợp phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu được quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP như sau:
Kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
...
2. Bộ Tài chính hướng dẫn việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan trong các trường hợp sau:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa khai báo đúng xuất xứ. Trong trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính thông báo với Bộ Công Thương để phối hợp trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu:
- Tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu;
- Gửi yêu cầu kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu một cách ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính chính xác của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tính xác thực của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa thuộc diện nghi ngờ;
...
Như vậy, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo với Bộ Công Thương để phối hợp trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cụ thể nhằm chống gian lận xuất xứ trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 29 Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về biện pháp chống gian lận xuất xứ như sau:
Biện pháp chống gian lận xuất xứ
...
3. Trường hợp thương nhân không thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 8 Điều 24 và Điều 30 Nghị định này, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa niêm yết công khai tên thương nhân đó tại nơi cấp trong thời hạn 6 tháng. Thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho thương nhân thuộc trường hợp này là 3 ngày làm việc kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 15 Nghị định này. Sau 6 tháng, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ xem xét áp dụng thời gian cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận xuất xứ, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu Điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như lập cơ chế giám sát trong quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ngừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho một số mặt hàng hoặc thương nhân gian lận.
Theo đó, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cụ thể nhằm chống gian lận xuất xứ để tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu Điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như lập cơ chế giám sát trong quá trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ngừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho một số mặt hàng hoặc thương nhân gian lận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm của DN sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mới nhất theo quy định hiện nay?
- Giải thể doanh nghiệp có phải mất phí không? Doanh nghiệp có được ký kết hợp đồng mới khi đã có quyết định giải thể doanh nghiệp không?
- Mục đích của chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng là gì? Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm trình chủ đầu tư chấp thuận nội dung gì?
- Năm cá nhân số 4 năm 2025 có ý nghĩa gì? Năm 2025 là năm thế giới số mấy? Hành vi xem thần số học có phải là mê tín dị đoan không?
- Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng là gì? Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng?