Cá nhân có hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào theo quy định hiện nay?
Cá nhân có được cầm cố thẻ căn cước công dân của mình hay không?
Căn cứ Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
....
7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
...
Thẻ căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân việc cá nhân mang thẻ căn cước công dân đi cầm cố là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Bên cạnh đó, đối với người nhận cầm cố thẻ căn cước công dân cũng đã vi phạm quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)
Cá nhân có hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.
Như vậy, đối với người có hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân thì mức xử phạt vi phạm hành chính là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đối với người nhận cầm cố thẻ căn cước công dân cũng sẽ chịu mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên.
Ngoài mức phạt trên, người nhận cầm cố buộc phải nộp lại thẻ căn cước công dân đã cầm cố cho cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời nộp lại số tiền nhận được từ việc nhận cầm cố thẻ căn cước công dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân không?
Căn cứ Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
....
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các điểm đ, e, g và h khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Theo quy định thì hành vi cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước công dân thuộc hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi cầm cố, nhận cầm cố thẻ căn cước công dân là 6.000.000 đồng vì vậy Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cầm cố thẻ căn cước công dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gia hạn phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích thực hiện như thế nào theo Nghị định 102?
- Tiêu chí thụ hưởng chính sách hỗ trợ thông tin của tổ hợp tác là gì? Nội dung chính sách hỗ trợ thông tin tổ hợp tác là gì?
- Yêu cầu của tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với Cảnh sát giao thông từ 01/01/2025?
- Mô hình hoạt động của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán do ai quyết định? Được cung cấp dịch vụ nào?
- Nhà ở công vụ liền kề cao bao nhiêu tầng? Được thiết kế theo kiểu nào? Trang thiết bị nội thất của nhà ở công vụ liền kề bao gồm những gì?