Bay chặn là gì? Ai có thẩm quyền ra lệnh bay chặn tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam theo quy định?
Bay chặn là gì? Tàu bay bị bay chặn khi nào?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 139/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
4. Can thiệp bất hợp pháp vào tàu bay đang bay, uy hiếp đến an toàn bay là vi phạm một hoặc các hành vi sau:
a) Chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay đang bay;
b) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;
c) Bắt giữ con tin trong tàu bay;
d) Đưa, sử dụng vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay trái pháp luật, bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm, được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người và an toàn của chuyến bay.
5. Bay chặn là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu bay vi phạm ở vị trí phù hợp và phát đi các ký, tín hiệu nhằm ngăn chặn không cho tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.
6. Bay kèm là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để dẫn dắt, hướng dẫn bay cho đến khi kết thúc vi phạm.
7. Bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam bay ở vị trí phù hợp với tàu bay vi phạm để phát đi các ký, tín hiệu và buộc tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
Theo đó, bay chặn là hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu bay vi phạm ở vị trí phù hợp và phát đi các ký, tín hiệu nhằm ngăn chặn không cho tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.
Theo Điều 4 Nghị định 139/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Tàu bay vi phạm bị bay chặn, bay kèm
1. Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam.
2. Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.
Như vậy, trường hợp tàu bay có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam thì sẽ bị bay chặn.
Lưu ý: Tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện bay chặn thì sẽ bị bay ép hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay (khoản 2 Điều 5 Nghị định 139/2024/NĐ-CP).
Bay chặn là gì? Ai có thẩm quyền ra lệnh bay chặn tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam theo quy định? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền ra lệnh bay chặn tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 139/2024/NĐ-CP về thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay như sau:
Thẩm quyền ra lệnh bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh thực hiện bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn, bay kèm, bay ép đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền ra lệnh thực hiện bay chặn tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam.
Đối với tàu bay chuyên cơ vi phạm vùng trời Việt Nam thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ quyết định bay chặn tàu bay này.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2024/NĐ-CP thì trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam như sau:
- Chủ trì tổ chức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các ban, bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cảng hàng không, sân bay để triển khai lực lượng tổ chức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tăng cường luyện tập các phương án bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam phù hợp với tính chất nhiệm vụ, loại máy bay do đơn vị đang khai thác sử dụng.
Thể thức bay chặn tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thế nào?
Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 139/2024/NĐ-CP thì tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam thực hiện theo phương thức sau:
(1) Tàu bay bay chặn, bay kèm tiếp cận tàu bay vi phạm từ phía sau bên trái hoặc bên phải phù hợp với điều kiện cơ động, quan sát;
Sau đó thiết lập tốc độ và khoảng cách phù hợp bảo đảm an toàn, phát ra các ký, tín hiệu và hành động; đồng thời bảo đảm cho phi công (tổ bay) của tàu bay vi phạm có thể tiếp nhận các ký, tín hiệu và hành động từ tàu bay bay chặn, bay kèm.
(2) Sau khi tàu bay vi phạm nhận được thông tin cần thiết và chấm dứt vi phạm, tàu bay bay chặn, bay kèm thoát ly khỏi khu vực.
Lưu ý: Nghị định 139/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn nào? Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính ra sao?
- Bộ luật Tố tụng dân sự mới nhất hiện nay quy định những gì? Nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự?
- Phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác từ 1/7/2025 ra sao?
- Mức đầu tư để trường mầm non tư thục hoạt động giáo dục ít nhất là bao nhiêu? Hồ sơ cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục?
- Cơ quan nào quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập? Thủ tục thành lập trung tâm?