Báo Tài nguyên và Môi trường là gì? Có bao nhiêu tổ chức trực thuộc Báo Tài nguyên và Môi trường?
Báo Tài nguyên và Môi trường là gì?
Báo Tài nguyên và Môi trường (Hình từ Internet)
Theo Điều 1 Quyết định 2799/QĐ-BTNMT năm 2022 quy định Báo Tài nguyên và Môi trường là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là diễn đàn của Nhân dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm các lĩnh vực:
- Đất đai;
- Tài nguyên nước;
- Tài nguyên khoáng sản;
- Địa chất;
- Môi trường;
- Khí tượng thủy văn;
- Biến đổi khí hậu;
- Đo đạc bản đồ;
- Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;
- Viễn thám.
Với mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội về thông tin và hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Báo Tài nguyên và Môi trường là đơn vị sự nghiệp báo chí trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được giao quyền tự chủ, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Trụ sở chính của Báo Tài nguyên và Môi trường đặt tại Thành phố Hà Nội, có Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Theo Điều 2 Quyết định 2799/QĐ-BTNMT năm 2022 quy định Báo Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn sau đây theo quy định của Luật Báo chí:
- Thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của ngành tài nguyên và môi trường.
- Thông tin các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ; thông tin các sự kiện thời sự, kinh tế, xã hội trong nước, quốc tế có liên quan tới phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển ngành tài nguyên môi trường theo quy định; phản ánh, định hướng dư luận xã hội về các hoạt động quản lý của ngành.
- Phổ biến các kinh nghiệm, thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học; thông tin, giới thiệu các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu của các nước, các tổ chức quốc tế phục vụ cho hợp tác, phát triển và hội nhập quốc tế.
- Thực hiện công tác điểm tin, tổng hợp thông tin phục vụ công tác của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia tổ chức thực hiện, cung cấp nội dung thông tin cho Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; lựa chọn, cung cấp nội dung thông tin phát trên mạng internet, truyền hình vệ tinh, mạng xã hội theo quy định và đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương; cập nhật, lưu giữ tư liệu phát thanh, truyền hình phục vụ tuyên truyền về hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường.
- Tổ chức các diễn đàn, hội thảo trao đổi về nghiệp vụ truyền thông, báo chí trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường; tổ chức các sự kiện truyền thông về tài nguyên và môi trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Báo và quy định của pháp luật.
- Tham gia phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện cổ vũ, nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
- Xuất bản, phát hành các ấn phẩm của Báo Tài nguyên và Môi trường theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Báo; theo Giấy phép hoạt động báo chí và các quy định của Luật Báo chí, Luật xuất bản, quy định khác của pháp luật.
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư của Nhân dân, của bạn đọc; đăng tải thông tin, phản hồi ý kiến kịp thời, chính xác, chân thực; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật và theo phân công của Bộ trưởng.
- Thực hiện các hoạt động dịch vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của Báo và theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch dài hạn, 05 năm, hàng năm về hoạt động thông tin tuyên truyền, báo chí của đơn vị báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp với đơn vị có chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động, cộng tác viên đáp ứng tiêu chuẩn nghề báo theo quy định.
- Thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi đoàn công tác, học hỏi kinh nghiệm với các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài và các tổ chức báo chí quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ và theo phân công của Bộ trưởng.
- Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc của đơn vị; theo phân công của Bộ và quy định của pháp luật.
- Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ.
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng phân công.
Có bao nhiêu tổ chức trực thuộc Báo Tài nguyên và Môi trường?
Theo khoản 2 Điều 3 Quyết định 2799/QĐ-BTNMT năm 2022 quy định có 07 tổ chức trực thuộc Báo Tài nguyên và Môi trường như sau:
- Văn phòng;
- Phòng Thư ký - Biên tập;
- Phòng Bạn đọc và Pháp luật;
- Trung tâm Phát thanh - Truyền hình tài nguyên và môi trường;
- Phòng Kinh tế và Truyền thông;
- Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh;
- Văn phòng đại diện miền Trung.
Trung tâm Phát thanh - Truyền hình tài nguyên và môi trường, Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện miền Trung là các đơn vị hạch toán phụ thuộc Báo Tài nguyên và Môi trường, có con dấu và tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
- Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân gây rối loạn lượng cực? Rối loạn lượng cực có tái phát không?
- Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc cơ quan nào? Nội dung quy chế tổ chức của trường cao đẳng sư phạm trung ương?
- Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì? Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự?
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm phải được lấy ý kiến rộng rãi từ những ai?