Bao nhiêu tuổi được mở tài khoản thanh toán? Tài khoản thanh toán của cá nhân phải bao gồm các thông tin nào?
Bao nhiêu tuổi được mở tài khoản thanh toán?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán cụ thể như sau:
Đối tượng mở tài khoản thanh toán
1. Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
a) Người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật Việt Nam;
b) Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;
c) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
...
Như vậy, người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì có thể mở tài khoản thanh toán.
Tuy nhiên, người dưới 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự thì mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật.
Đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ được mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
Bao nhiêu tuổi được mở tài khoản thanh toán? (hình từ internet)
Tài khoản thanh toán của cá nhân phải bao gồm các thông tin nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định tài khoản thanh toán của cá nhân phải bao gồm các thông tin sau đây:
(1) Đối với cá nhân là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch:
- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh;
- Quốc tịch;
- Nghề nghiệp, chức vụ;
- Số điện thoại;
- Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; ngày cấp, nơi cấp, ngày hết hạn hiệu lực của giấy tờ tùy thân;
- Mã số thuế (nếu có);
- Địa chỉ đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có); thuộc đối tượng người cư trú hay người không cư trú;
(2) Đối với cá nhân là người nước ngoài:
- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh;
- Quốc tịch;
- Nghề nghiệp, chức vụ;
- Số điện thoại;
- Số hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp, ngày hết hạn hiệu lực của hộ chiếu;
- Số định danh người nước ngoài (nếu có);
- Số thị thực nhập cảnh hoặc số giấy tờ thay thị thực nhập cảnh (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam), trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định pháp luật; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và nơi đăng ký cư trú tại Việt Nam (trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam); thuộc đối tượng người cư trú hay người không cư trú;
(3) Đối với khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên, bao gồm các thông tin tương ứng tại (1) và (2); số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, ngày hết hạn hiệu lực của hộ chiếu; quốc tịch, địa chỉ cư trú ở quốc gia mang quốc tịch còn lại;
(4) Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thuộc đối tượng quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN, thông tin người đại diện, cụ thể:
- Người đại diện là cá nhân, thông tin về cá nhân là người đại diện được thực hiện theo quy định tại (1), (2) và (3).
- Người đại diện là pháp nhân, thông tin về pháp nhân là người đại diện được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 17/2024/TT-NHNN.
Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán làm gì?
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định về việc sử dụng tài khoản thanh toán như sau:
Sử dụng tài khoản thanh toán
1. Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
2. Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản thanh toán của người được đại diện theo quy định của pháp luật dân sự về giám hộ và đại diện.
...
Như vậy, chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như:
- Cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.
Lưu ý: Việc sử dụng tài khoản thanh toán của cá nhân là người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người đại diện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 18 11 năm 2024 có ý nghĩa gì? Ngày 18 11 năm 2024 dương lịch là ngày bao nhiêu âm lịch?
- Thủ tục chuyển đổi công năng nhà ở đối với nhà ở xây dựng trong dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND cấp tỉnh?
- Tải về phiếu đánh giá chất lượng, xếp loại Đảng viên cuối năm? 03 bước đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm chuẩn?
- Ngày Pháp luật 9 tháng 11 có thể được tổ chức dưới hình thức nào? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm tổ chức Ngày pháp luật?
- Mẫu 02A, 02B Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên 2024 tải về? Cách viết mẫu Bản kiểm điểm cá nhân năm 2024 của Đảng viên ra sao?