Bằng chứng chứng minh việc ngoại tình là những bằng chứng nào? Quyền nuôi con khi ly hôn được quy định ra sao?
Ngoại tình, chung sống với người khác như vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến hành vi ngoại tình thì theo quy định pháp luật có thể bị xử lý về hành chính hoặc xử lý hình sự.
- Về xử lý hành chính:
Qua đó, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Như vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi ngoại tình với người đã có gia đình bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Về xử lý hình sự:
Tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Theo quy định của pháp luật, hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó dẫn đến các hậu quả sau:
+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc người thực hiện hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Mức phạt tù cao nhất đối với tội này là 03 năm.
Bằng chứng chứng minh việc ngoại tình là những bằng chứng nào? (Hình từ Internet)
Bằng chứng chứng minh việc ngoại tình khi ly hôn là những bằng chứng nào?
Xác định chung sống với nhau như vợ chồng căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC có hướng dẫn như sau:
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Khi xử lý hành chính, hình sự sẽ căn cứ vào các quy định nêu trên để xác định mức xử phạt cũng như định tội.
Về chứng cứ chứng minh ngoại tình hiện không có một quy định nào cụ thể cả, thực tế có thể là: những tin nhắn, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình cho thấy có dấu hiệu ngoại tình.
Những tin nhắn, hình ảnh này phải là những tin nhắn cho chính người thực hiện hành vi ngoại tình nhắn và các hình ảnh phải là hình ảnh chụp lại cử chỉ thân mật, vượt quá giới hạn của người có hành vi ngoại tình và người tình của họ.
Các căn cứ này phải là có thật, không phải do tạo dựng hay làm giả mà có; chính lời khai của người có hành vi ngoại tình... Đây là một trong những cơ sở để tòa án xem xét giải quyết lỗi của các bên quan hệ hôn nhân.
Quyền nuôi con sau khi ly hôn được quy định ra sao?
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn anh căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quyền nuôi con sau khi ly hôn đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.
Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Cụ thế:
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy căn cứ theo quy định hiện hành, nếu con dưới 36 tháng tuổi về nguyên tắc sẽ giao cho mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện hoặc các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên phải xem xét đến nguyện vọng của con muốn ở với ai.
Và để đảm bảo quyền nuôi con cần chứng minh về điều kiện nuôi con của mình: các điều kiện không chỉ là chứng minh thu nhập (một ngày kinh doanh được bao nhiêu, có thể xuất trình sổ sách liên quan chứng minh...) mà còn chứng minh các yếu tố khác như:
Chỗ ở ổn định (có đảm bảo để cháu có chỗ ở lâu dài hay không?); điều kiện môi trường sống xung quanh tốt hơn, phát triển hơn; điều kiện tinh thần cho bé (thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ)...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra hải quan là gì? Ai có thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan theo quy định pháp luật?
- Mẫu bản kiểm điểm của Bí thư đảng ủy là mẫu nào? Nội dung bản kiểm của Bí thư đảng ủy phải đảm bảo gì?
- Việc lập danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ do tổ chức nào thực hiện?
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?