Bán thầu là gì? Hành vi bán thầu trái phép thì bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật hiện nay?
Bán thầu là gì?
Hiện nay pháp luật không có quy định về bán thầu là gì. Bản chất bán thầu có thể hiểu là hành vi chuyển nhượng thầu.
Chuyển nhượng thầu được hiểu là việc nhà thầu ký kết hợp đồng với chủ đầu tư để thực hiện gói thầu qua quá trình lựa chọn nhà thầu theo pháp luật về đấu thầu nhưng lại chuyển nhượng lại một phần hoặc toàn bộ giá trị khối lượng công việc cho nhà thầu khác thực hiện.
Tại khoản 8 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì các hành vi chuyển nhượng thầu bị cấm lại có sự điều chỉnh, cụ thể bao gồm các hành vi sau:
- Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng.
- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc gạch đầu dòng thứ nhất.
- Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận.
- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc gạch đầu dòng thứ 3 mà vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
Bán thầu trái phép (Hình từ Internet)
Hành vi bán thầu trái phép thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
2. Thông thầu.
3. Gian lận trong đấu thầu.
4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
7. Chuyển nhượng thầu trái phép.
Theo đó tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Mức phạt tiền
…
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo phân tích trên thì bản chất của bán thầu là hành vi chuyển nhượng thầu.
Theo đó hành vi chuyển nhượng thầu trái phép nếu chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (đối với tổ chức).
Người bán thầu trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Căn cứ tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định trên thì người bán thầu trái phép từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó người bán thầu trái phép có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm (tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xin giấy xác nhận độc thân ở đâu? Hạn sử dụng của Giấy xác nhận độc thân là bao lâu? Thủ tục cấp giấy xác nhận độc thân?
- Quy chế tiền thưởng của Bộ Nội vụ theo Quyết định 786 thế nào? Mức tiền thưởng theo Quy chế tiền thưởng của Bộ Nội vụ là bao nhiêu?
- Nghị định 176/2024 về quản lý sử dụng kinh phí từ xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào NSNN?
- Lịch Countdown 2025 Tết Dương lịch Thanh Hóa? Địa điểm tổ chức Countdown Tết Dương lịch 2025 Thanh Hóa?
- Câu chúc Tết Dương lịch 2025 chọn lọc? Những câu chúc Tết Dương lịch 2025 ngắn gọn, ý nghĩa nhất?