Ấu trùng giun đũa có ở những động vật nào? Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa như thế nào?
Ấu trùng giun đũa có ở những động vật nào?
Theo Mục 1 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ban hành kèm theo Quyết định 1385/QĐ-BYT năm 2022:
Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.
Nguồn bệnh hay ổ chứa chính của ấu trùng giun đũa là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp., đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người.
Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.
Các phương thức lây truyền ấu trùng giun đũa chính gồm:
- Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó/mèo.
- Người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ.
- Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Ấu trùng giun đũa có ở những động vật nào? Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa như thế nào? (Hình từ Internet)
Chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa như thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 1.5 Mục 1 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ban hành kèm theo Quyết định 1385/QĐ-BYT năm 2022 quy định về chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa như sau:
(1) Trứng giun thải ra môi trường qua phân.
(2) Trứng mang phôi phát triển ở ngoài môi trường sau 1-4 tuần thành trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 và có khả năng lây nhiễm.
(3,4) Tái nhiễm vào vật chủ chính và phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(5,6) Ấu trùng từ chó/mèo mẹ sang con qua đường nhau thai hoặc cho bú, phát triển thành giun trưởng thành ở ruột non.
(7) Vật chủ chứa, ví dụ thỏ bị nhiễm do ăn phải trứng giun.
(8) Chu kỳ khép kín khi chó/mèo ăn thịt các động vật này.
(9,10) Người bị bệnh khi ăn phải trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 trong môi trường hoặc qua vật chủ chứa.
(11) Ở người, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu và đi đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Các triệu chứng lâm sàng và cách phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo?
Các triệu chứng lâm sàng bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo theo quy định tại Mục 2 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ban hành kèm theo Quyết định 1385/QĐ-BYT năm 2022 gồm:
Thể thông thường: Các triệu chứng không quá rầm rộ, có thể gặp như
- Ngứa, nổi mẩn;
- Đau đầu;
- Đau bụng;
- Ho;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Thay đổi hành vi.
Thể ấu trùng di chuyển ở mắt: Thể mắt ít gặp, thường bị ở một bên mắt. Triệu chứng bao gồm:
- Giảm thị lực;
- U hạt: u hạt cực sau, u hạt ngoại vi;
- Viêm nội nhãn,
- Tổn thương võng mạc, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào
- Mất thị lực hoàn toàn.
Thể ấu trùng di chuyển nội tạng
Ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Thể nội tạng gặp nhiều ở trẻ em dưới 7 tuổi. Các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh, thường gặp là:
- Đau bụng mãn tính, gan to, tiêu chảy, nôn;
- Hen phế quản: Khò khè, ho khan, khó thở;
- Tức ngực;
- Sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân;
- Mẩn ngứa, nổi ban.
Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh
Đây là thể bệnh nguy hiểm so với các thể khác. Các triệu chứng không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như:
- Sốt;
- Đau đầu;
- Co giật.
Và một số cách phòng bệnh được quy định tại Mục 7 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo ban hành kèm theo Quyết định 1385/QĐ-BYT năm 2022 gồm:
- Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo. Với chó, mèo con, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chúng mới sinh ra 2-3 tuần tuổi (vì chó, mèo con có thể nhiễm giun từ mẹ trước hoặc sau sinh, hoặc qua đường sữa và chó con thường đào thải trứng nhiều trong môi trường), tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. Dùng thuốc chống giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh;
- Vệ sinh phòng bệnh: Vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em;
- Thu dọn, loại bỏ ngay các phân các thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm.
- Rửa sạch tay sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm.
- Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống chín. Cọ, rửa sạch nơi vui chơi của trẻ em.
- Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó, mèo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn lập bảng kê thu mua hàng hóa dịch vụ không có hóa đơn? Tải mẫu bảng kê 01/TNDN mới nhất?
- Mẫu Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình mới nhất theo Nghị định 175? Tải mẫu Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình?
- Bài tuyên truyền về an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên Đán 2025? Bài tuyên truyền về an toàn giao thông trong trường học?
- Nghị định 168 bãi bỏ toàn bộ quy định xử phạt vi phạm giao thông? Hiệu lực thi hành của Nghị định 168?
- Đáp án đợt 1 cuộc thi Tự hào vững bước dưới cờ Đảng tỉnh Tuyên Quang? Thể lệ cuộc thi trực tuyến Tự hào vững bước dưới cờ Đảng?