Ai được vay lại và cho vay lại đối với khoản vốn vay ODA, vay ưu đãi vốn nước ngoài? Nguyên tắc cho vay lại được quy định như thế nào?
Ai được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài?
Đối tượng được vay lại vốn vay ODA
Khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định những đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gồm:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Đơn vị sự nghiệp công lập;
- Doanh nghiệp.
Cơ quan cho vay lại được xác định như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý nợ công 2017, cơ quan cho vay lại bao gồm: Bộ Tài chính; ngân hàng chính sách của Nhà nước, tổ chức tín dụng được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại.
Việc xác định cơ quan cho vay lại được quy định cụ thể tại Điều 22 Nghị định 97/2018/NĐ-CP như sau:
(1) Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính là cơ quan cho vay lại.
(2) Xác định cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng:
Đối với cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư của Nhà nước, căn cứ vào tính chất của dự án vay lại, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xác định cơ quan được ủy quyền cho vay lại là:
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với các chương trình, dự án đầu tư; hoặc
- Ngân hàng Chính sách xã hội đối với chương trình, dự án chính sách xã hội.
(3) Xác định cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng:
- Là tổ chức tín dụng đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Quản lý nợ công 2017;
- Khi đề xuất dự án, cơ quan chủ quản dự án đề xuất tổ chức tín dụng làm cơ quan ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng sau khi có sự chấp thuận của tổ chức tín dụng;
- Tổ chức tín dụng có quyền hạn và trách nhiệm tham gia ý kiến với cơ quan chủ quản dự án, chủ dự án trong quá trình xây dựng, phê duyệt báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi;
- Trường hợp trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức tín dụng xác định dự án không có hiệu quả và từ chối tham gia, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chủ động lựa chọn tổ chức tín dụng khác đủ điều kiện làm cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu rủi ro tín dụng cho dự án.
Có thể thấy, pháp luật đã có những quy định nhằm làm rõ việc xác định cơ quan được ủy quyền cho vay đối với trường hợp ủy quyền cho vay không chịu rủi ro tín dụng và ủy quyền cho vay chịu rủi ro tín dụng.
Việc cho vay lại được xác lập dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc cho vay lại được quy định tại Điều 34 Luật Quản lý nợ công 2017 như sau:
(1) Chính phủ cho vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; không phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại.
(2) Chính phủ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.
(3) Việc cho vay lại phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(4) Mức vay, thời hạn cho vay lại và thời gian ân hạn tối đa bằng mức vay, thời hạn vay và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài của Chính phủ; đồng tiền cho vay lại, đồng tiền thu nợ là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài. Trường hợp trả nợ bằng Đồng Việt Nam, áp dụng tỷ giá bán ra tại thời điểm trả nợ do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố để thu nợ.
Đồng tiền cho vay lại, thu nợ cho vay lại, thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn cho vay lại theo quy định trên được hướng dẫn bởi Điều 6 và Điều 7 Nghị định 97/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
"Điều 6. Đồng tiền cho vay lại và thu nợ cho vay lại
1. Đồng tiền cho vay lại là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài.
2. Đồng tiền thu nợ cho vay lại là đồng tiền cho vay lại. Trường hợp bên vay lại trả nợ bằng Đồng Việt Nam, cơ quan cho vay lại áp dụng tỷ giá bán đồng tiền cho vay lại tại thời điểm trả nợ do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố để thu nợ.
Điều 7. Thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn cho vay lại
1. Đối với bên vay lại là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn cho vay lại bằng thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.
2. Đối với bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp:
a) Thời hạn trả nợ bằng thời gian hoàn vốn trong dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá thời hạn trả nợ quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài;
b) Thời gian ân hạn bằng thời kỳ xây dựng cho đến khi dự án được đưa vào hoạt động nêu trong dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không vượt quá thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài;
c) Thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn cho vay lại được tính từ khi bắt đầu thời hạn trả nợ và thời gian ân hạn của khoản vay nước ngoài.
3. Trong trường hợp có chênh lệch về thời hạn và thời gian ân hạn giữa khoản vay nước ngoài và khoản cho vay lại, nguồn thu hồi nợ cho vay lại chưa trả nợ nước ngoài được đưa vào Quỹ Tích lũy trả nợ."
(5) Lãi suất cho vay lại bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại, được hướng dẫn bởi Điều 8, 9, 10 và 11 Nghị định 97/2918/NĐ-CP:
"Điều 8. Lãi suất cho vay lại
Lãi suất cho vay lại được quy định tại khoản 5 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.
Điều 9. Các khoản phí và chi phí liên quan của bên cho vay nước ngoài và phí ngân hàng trong và ngoài nước
1. Bên vay lại chịu trách nhiệm trả đầy đủ các khoản phí và chi phí liên quan cho bên cho vay nước ngoài theo thỏa thuận vay nước ngoài và các loại phí dịch vụ ngân hàng trong và ngoài nước liên quan đến khoản vay lại. Các loại phí theo thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm phí thu xếp vốn, phí quản lý, phí cam kết, phí rút vốn, phí bảo hiểm, các khoản phí và chi phí khác theo quy định của Pháp luật (nếu có).
2. Đối với các khoản phí, chi phí phải trả bên cho vay nước ngoài, bên vay lại trả thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại để trả cho Bộ Tài chính. Đối với các loại phí dịch vụ ngân hàng, bên vay lại trả trực tiếp cho ngân hàng phục vụ.
Điều 10. Phí quản lý cho vay lại
1. Mức phí quản lý cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ vay lại, cụ thể như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chuyển trả cho cơ quan cho vay lại (Bộ Tài chính) 0,25%/năm;
b) Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trả cho cơ quan được ủy quyền cho vay lại 0,25%/năm. Trong đó, cơ quan được ủy quyền cho vay lại được hưởng 0,15%/năm và chuyển trả cho Bộ Tài chính 0,1%/năm.
2. Việc quản lý và sử dụng phí cho vay lại thực hiện theo cơ chế tài chính của cơ quan được ủy quyền cho vay lại. Việc quản lý và sử dụng phí cho vay lại của Bộ Tài chính thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 11. Dự phòng rủi ro cho vay lại
1. Dự phòng rủi ro cho vay lại theo quy định như sau:
a) Dự phòng rủi ro cho vay lại trong trường hợp cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 0%/năm/dư nợ vay lại;
b) Dự phòng rủi ro cho vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công là 1%/năm/dư nợ vay lại;
c) Dự phòng rủi ro cho vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp là 1,5%/năm/dư nợ vay lại.
2. Trích nộp dự phòng rủi ro cho vay lại:
a) Trường hợp cơ quan được ủy quyền cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp vào Quỹ Tích lũy trả nợ;
b) Trường hợp cơ quan được ủy quyền cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp cho cơ quan được ủy quyền cho vay lại. Cơ quan được ủy quyền cho vay lại thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và các văn bản pháp luật liên quan."
(6) Bên vay lại phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
Bài viết cung cấp một số thông tin về đối tượng được vay lại, cơ quan cho vay lại cũng như nguyên tắc cụ thể của việc vay lại dựa trên quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nợ công, nhằm đảm bảo việc vay lại và cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài được diễn ra thuận lợi, thống nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ bị xử phạt bao nhiêu?
- Hóa đơn giá trị gia tăng dành cho các đối tượng nào? Không lập hóa đơn giá trị gia tăng khi bán hàng có phải là hành vi trốn thuế?
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam là gì? Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao là gì?
- Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân là gì? Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu?
- Tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cần đáp ứng những điều kiện nào?