12 tuổi có thể làm căn cước công dân được không? Địa điểm cấp mới căn cước công dân ở đâu? Trình tự diễn ra như thế nào?
12 tuổi có thể làm căn cước công dân được hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, độ tuổi được cấp căn cước công dân là:
“Điều 19. Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.”
Theo đó, bất kì công dân Việt Nam nào từ đủ 14 tuổi trở lên cũng đều có quyền được cấp thẻ căn cước công dân. Do đó, hai người con của bạn thì chỉ có bé năm nay 17 tuổi mới đủ điều kiện làm căn cước công dân, còn bé 12 tuổi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về độ tuổi. Bạn cần đợi đến khi bé đủ 14 tuổi, tính từ ngày sinh trên giấy khai sinh thì mới có thể tiến hành yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân cho bé.
Thủ tục cấp mới căn cước công dân
Làm căn cước công dân tại nơi tạm trú được không?
Đối với việc tiếp nhận yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân, Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA có quy định chi tiết như sau:
- Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị. Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Ngoài ra, trong trình tự cấp thẻ căn cước công dân, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA cũng có quy định:
“1. Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.
2. Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.”
Như vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc đề nghị, yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân có thể thực hiện tại cơ quan công an có thẩm quyền tại nơi công dân đăng ký tạm trú. Do đó, bạn hoàn toàn có thể đến cơ quan công an nơi quản lý việc cấp căn cước công dân ở Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu cấp căn cước công dân cho con bạn mà không cần thiết phải đến cơ quan Công an có thẩm quyền tại Thanh Hóa để thực hiện thủ tục này.
Ngoài ra, bạn có thể đề nghị cấp căn cước công dân cho con bạn thông qua dịch vụ đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công Bộ Công an để thuận tiện hơn trong việc di chuyển.
Trình tự cấp mới căn cước công dân gồm những bước nào?
Căn cứ các quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA, thủ tục làm căn cước công dân lần đầu được quy định như sau:
Bước 1: Yêu cầu cấp mới thẻ căn cước công dân
Căn cứ Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA, bạn có thể đến địa điểm làm thủ tục cấp căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân.
Một số địa điểm làm thủ tục cấp căn cước công dân được quy định tại Điều 26 Luật căn cước công dân 2014 như sau:
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Bước 2: Tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân
Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA có quy định rõ:
Trường hợp đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước công dân thì cán bộ thực hiện tiếp nhận đề nghị và thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này (quy định cụ thể tại bước 3).
Trường hợp không đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước công dân thì cán bộ thực hiện từ chối tiếp nhận đề nghị và nêu rõ lý do.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo luật định.
Bước 3: Thu nhận thông tin công dân
Sau khi tiếp nhận đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân, nếu đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân, cán bộ thu nhận thông tin công dân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA theo quy định sau:
Tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.
- Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.
Bước 4: Chụp ảnh, thu thập vân tay
Tiếp theo đó, cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng, thu nhận dấu vân tay, chụp ảnh của người đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân để in trên:
- Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân (theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA);
- Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) (theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA).
Bước 5: Trả kết quả
Nộp lệ phí, sau đó nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân; nhận thẻ căn cước công dân tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện (công dân tự trả phí).
Như vậy, con bạn năm nay 12 tuổi nên vẫn chưa đủ điều kiện để được làm căn cước công dân. Đến khi bé đủ 14 tuổi, bạn mới có thể thực hiện yêu cầu này. Đồng thời bài viết cũng cung cấp một số thông tin của pháp luật hiện hành về địa điểm đề nghị, yêu cầu cấp căn cước công dân cũng như trình tự cấp mới căn cước công dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu biên bản cuộc họp công ty năm 2025 hoàn chỉnh? File Word biên bản cuộc họp công ty mới nhất?
- Gợi ý quà Tết dương lịch 2025? Những món quà tặng Tết dương lịch 2025 ý nghĩa? Tết Dương lịch 2025 vào ngày mấy âm lịch?
- Lịch Vạn niên tháng 1/2025 đầy đủ, chi tiết nhất? Lịch âm dương tháng 1/2025 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?
- Luật Tố tụng hành chính quy định những gì và áp dụng cho những hoạt động nào? Quy định về việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng hành chính?
- Danh mục hồ sơ hoàn công công trình xây dựng theo Nghị định 06 gồm những gì? Thời hạn lưu trữ hồ sơ?