08 trường hợp không phải kiểm định chất lượng đầu vào công chức hiện nay là những trường hợp nào?
08 Trường hợp không phải kiểm định chất lượng đầu vào công chức là những trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 như sau:
Tuyển dụng công chức
...
2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.
Theo quy định trên thì công tác tuyển dụng cần phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng đầu vào sẽ không cần phải thực hiện đối với một số đối tượng nhất định.
Dựa theo quy định tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 về phương thức tuyển dụng công chức. Các trường hợp không phải kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm:
STT | Trường hợp |
Tuyển dụng thông qua xét tuyển | |
1 | Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn |
2 | Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học |
3 | Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng |
Tuyển dụng thông qua quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức | |
4 | Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập |
5 | Cán bộ, công chức cấp xã |
6 | Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức |
7 | Người đang là Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch công ty, Thành viên HĐTV, Thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương; |
8 | Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác. |
Như vậy, 08 trường hợp nêu trên sẽ không phải kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
08 Trường hợp không phải kiểm định chất lượng đầu vào công chức hiện nay là những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức khi nào?
Căn cứ Nghị định 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức
1. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
2. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
3. Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
4. Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Theo đó, trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Hiện nay có bao nhiêu ngạch công chức?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, các ngạch công chức bao gồm:
- Chuyên viên cao cấp và tương đương;
- Chuyên viên chính và tương đương;
- Chuyên viên và tương đương;
- Cán sự và tương đương;
- Nhân viên;
- Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, hiện nay có các ngạch công chức nêu trên. Theo đó, việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;
- Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Gợi ý trách nhiệm của tập thể cá nhân tại Báo cáo kiểm điểm tập thể? Cách viết trách nhiệm của tập thể cá nhân trong kiểm điểm?
- Đối tượng phải kiểm điểm cuối năm cấp ủy ở cơ sở bao gồm những ai? Đánh giá xếp loại cuối năm đối với cấp ủy ở cơ sở?
- Cách viết Biên bản họp tổ đảng đánh giá chất lượng Đảng viên cuối năm? Tải về mẫu biên bản họp tổ đảng?
- Cách ghi hạn chế khuyết điểm trong Báo cáo kiểm điểm Chi ủy Chi bộ cuối năm? Tải về mẫu viết sẵn?
- Mẫu báo cáo thành tích gia đình văn hóa tiêu biểu mới nhất? Cách viết báo cáo thành tích hay, chi tiết?