Những quy định cụ thể về công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được đề ra chi tiết bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
>> Những thay đổi mà doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận
>> Thay đổi về lãi suất chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2025
Theo Điều 123 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, công tác phòng, chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định như sau:
(i) Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản từ doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm.
(ii) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền về phòng, chống gian lận bảo hiểm.
(iii) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm; trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm thì kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền.
(iv) Cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo Điều 122 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất được quy định như sau:
(i) Đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm.
(ii) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).
(iii) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất sau đây:
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo.
- Hỗ trợ công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách về kinh doanh bảo hiểm.
- Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế rủi ro.
- Hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm.
- Thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.
(iv) Cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất.
Theo Điều 146 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô như sau:
(i) Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
(ii) Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
(iii) Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Các khách có thể xem thêm tại: Tiêu chuẩn chung về nộp, bổ sung hồ sơ, tài liệu thành lập doanh nghiệp bảo hiểm 2023.