Lao động nữ là nguồn nhân lực quan trọng trong một doanh nghiệp. Vì khác với lao động nam giới về sinh lý và sức khoẻ, nên pháp luật quy định cho họ nhiều ưu đãi và doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ cũng nhận được những ưu đãi nhất định.
>> Doanh nghiệp có bắt buộc thưởng Tết cho người lao động không?
>> Một số công việc về lao động khi doanh nghiệp mới thành lập
Sau đây là những điều mà doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ cần lưu ý:
1. Không được sử dụng lao động nữ để làm các công việc trong Danh mục ban hành kèm Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH.
2. Không được phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
3. Phải tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
4. Phải có buồng tắm và nhà vệ sinh phù hợp; giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.
5. Không được xử lý kỷ luật đối với lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
6. Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động thì không áp dụng quy định này.
7. Cho phép lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, tối thiểu 03 ngày/tháng mà vẫn hưởng đủ lương.
8. Bên cạnh việc được khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản ít nhất 06 tháng một lần.
9. Bảo đảm chế độ đối với lao động nữ mang thai:
- Không được sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 6, nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc mang thai từ tháng thứ 07 trở đi phải được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc được nghỉ 1 giờ mỗi ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
- Lao động nữ mang thai được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động nếu đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
+ Báo trước cho doanh nghiệp theo thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
10. Bảo đảm chế độ thai sản đối với lao động nữ, cụ thể:
- Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Tuy nhiên, lao động nữ đã nghỉ ít nhất 04 tháng có thể trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản nếu có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động;
+ Được doanh nghiệp đồng ý.
Ngược lại, nếu có nhu cầu thì sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể thỏa thuận với doanh nghiệp để nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương.
- Sau khi nghỉ thai sản, doanh nghiệp phải để lao động nữ trở lại làm công việc cũ hoặc công việc mới có mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản nếu công việc cũ không còn.
Quý khách hàng có thể thảm khảo thêm công việc Hồ sơ giải quyết chế độ thai sản.
11. Bảo đảm chế độ đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, cụ thể:
- Không được để họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
- Được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc mỗi ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
12. Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ nếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, vận tải theo hướng dẫn tại Điều 21 của Thông tư 78/2014/TT-BT.
13. Được trừ các khoản chi phí chi thêm cho lao động nữ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH.
Quỳnh Như