Trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, bên cạnh phải thực hiện các nghĩa vụ với người sử dụng lao động, người lao động vẫn có một số quyền lợi nhất định của riêng mình. Theo đó, để biết được những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi bị tạm đình chỉ công việc thì Quý thành viên có thể tham khảo tại bài viết sau:
>> Một số lưu ý cho doanh nghiệp trong khi giao kết hợp đồng lao động
>> Điểm lại những ảnh hưởng của việc tăng mức lương cơ sở từ tháng 7/2019
Thế nào là tạm đình chỉ công việc?
Tạm đình chỉ công việc có thể được xem là một hình thức tạm ngưng công việc của người lao động và được quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
Việc tạm đình chỉ công việc chỉ được thực hiện khi người sử dụng lao động đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, tuy nhiên người sử dụng lao động đa phần không có tổ chức đại diện lao động vì số lượng lao động nhỏ lẻ (dưới 10 người) nên căn cứ để người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động là dựa vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Xem thêm chi tiết tại công việc: Tạm đình chỉ công việc do xử lý kỷ luật lao động.
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong bao lâu?
Pháp luật cho phép việc tạm đình chỉ công việc không được vượt quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày (thường được áp dụng với các trường hợp liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh).
Quyền lợi của người lao động khi bị tạm đình chỉ?
Người lao động bị tạm đình chỉ công việc đồng nghĩa với việc không được đi làm dẫn đến không có tiền lương để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình. Do đó, để bảo vệ cho người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc thì pháp luật quy định một số quyền sau đây:
1. Khi có quyết định tạm đình chỉ để điều tra, người lao động sẽ được tạm ứng trước 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
2. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động sẽ phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật lao động thì cũng không phải trả lại số tiền lương đã được tạm ứng.
4. Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Ngoài ra, nếu người lao động nhận thấy quyết định tạm đình chỉ công việc mà người sử dụng lao động đưa ra đối với mình là không thỏa đáng thì người lao động có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
Căn cứ pháp lý:
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Bảo Toàn