Khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Trên thực tế lại nhiều doanh nghiệp chậm trễ, thậm chí không trả lại sổ BHXH cho người lao động.
>> Chốt sổ bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH
>> Cách tính lãi chậm đóng các loại bảo hiểm mới nhất
Sổ BHXH là sổ được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà doanh nghiệp đã giữ lại của người lao động. Trong đó, xác nhận sổ BHXH là việc ghi thời gian đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN của người tham gia.
Theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 48, Bộ Luật lao động 2019 về thời hạn trả sổ BHXH cho người lao động như sau:
“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động … 2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản. 3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây: a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả." |
Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và trả lại cùng với sổ bảo hiểm nếu đã giữ của người lao động. Do đó, việc chốt sổ BHXH phải được tiến hành ngay khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trường hợp quá thời hạn nêu trên nhưng doanh nghiệp chưa hoặc không chốt sổ BHXH, người lao động cần khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi quyền lợi cho mình.
Khi có yêu cầu khiếu nại, bên thanh tra lao động sẽ tiến hành kiểm tra. Doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt cụ thể như sau:
- Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
- Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Để tránh bị xử phạt, doanh nghiệp cần thực hiện xác nhận và trả sổ BHXH cho người lao động trong thời hạn quy định.
Quý thành viên vui lòng xem chi tiết tại công việc Hồ sơ chốt sổ bảo hiểm.
- Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: