Khi giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác, doanh nghiệp sẽ thực hiện những trách nhiệm khác hơn so với người lao động chỉ giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp mình. Cụ thể, doanh nghiệp cần chú ý những điều sau đây:
>> Một số quan hệ lao động đặc biệt giữa DN và cá nhân
>> Sử dụng lao động là người nước ngoài
Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Để xác định trách nhiệm đóng bảo hiểm trong trường hợp này, doanh nghiệp cần phải xác định xem hợp đồng lao động của người lao động với mình có phải là hợp đồng lao động đầu tiên hay không.
Nếu hợp đồng lao động của người lao động với bên mình là "hợp đồng lao động đầu tiên" thì doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động với bên mình không phải là "hợp đồng lao động đầu tiên" thì doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm; nhưng thay vào đó, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng của mình.
Khi "hợp đồng lao động đầu tiên" chấm dứt hoặc thay đổi dẫn đến người sử dụng lao động và người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nữa; thì trách nhiệm đóng bảo hiểm chuyển sang cho hợp đồng lao động kế tiếp.
Xem chi tiết việc xác định trách nhiệm tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công việc Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác.
Bảo hiểm y tế
Khi doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở những nơi khác, nếu đó là "hợp đồng lao động có mức lương cao nhất" trong các hợp đồng lao động mà người lao động đang giao kết thì doanh nghiệp và người lao động phải đóng bảo hiểm y tế.
Ngược lại, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế nếu hợp đồng lao động của mình với người lao động không phải là hợp đồng có mức lương cao nhất.
Doanh nghiệp cần biết là khi “hợp đồng lao động có mức lương cao nhất” chấm dứt hoặc thay đổi dẫn đến người sử dụng lao động và người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nữa; thì trách nhiệm đóng bảo hiểm sẽ chuyển sang cho hợp đồng lao động có mức lương cao nhất kế tiếp.
Xem chi tiết việc xác định trách nhiệm tham gia Bảo hiểm y tế tại công việc Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác.
Công đoàn
Khi người lao động có làm việc ở nơi khác và có nguyện vọng gia nhập công đoàn, doanh nghiệp phải tạo điều kiện thuận lợi, không được phép ép buộc hay cản trở việc tham gia công đoàn của người lao động.
Trong trường hợp, trong số các nơi mà người lao động giao kết hợp đồng chỉ có một nơi có công đoàn cơ sở, thì doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan công đoàn có thẩm quyền vận động người lao động gia nhập công đoàn cơ sở đó.
Ban chấp hành công đoàn của doanh nghiệp mà người lao động tự nguyện tham gia vào công đoàn phải xét và ra quyết định kết nạp hoặc công nhận đoàn viên cho người lao động.
Doanh nghiệp không phải trích nộp đoàn phí cho người lao động có làm việc ở nơi khác nếu người lao động đó gia nhập vào công đoàn tại nơi làm việc khác không phải là doanh nghiệp.
Thuế thu nhập cá nhân
Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi làm việc, mỗi doanh nghiệp khi trả tiền lương, tiền công vẫn phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của khoản tiền lương, tiền công mà mỗi doanh nghiệp trả cho người lao động.
Căn cứ pháp lý:
- Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013.
Hải Hà