Ngày nay, việc làm cộng tác viên trở nên rất phổ biến và khá nhiều doanh nghiệp đặt mối quan tâm đến loại hình hợp đồng này. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa đưa ra quy định cụ thể nào, do đó, doanh nghiệp khá lúng túng, không biết có được áp dụng hay không. Sau đây, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP xin gửi đến quý thành viên bài viết: Mô tả khái quát về hợp đồng cộng tác viên.
>> Nghỉ việc khi chưa đủ điều kiện có được hưởng lương hưu không?
>> Phân biệt hợp đồng đào tạo và hợp đồng thử việc
Cộng tác viên là cá nhân làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc tổ chức đó. Cộng tác viên sẽ được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc.
Căn cứ theo quy định tại:
- Điều 15 Bộ luật lao động 2012: hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
- Điều 513 của Bộ luật dân sự 2015: hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Thì hợp đồng cộng tác viên không mang bản chất của hợp đồng lao động, vì cá nhân sẽ không làm việc theo chế độ của tổ chức và không thuộc tổ chức đó. Mà hợp đồng cộng tác viên sẽ mang bản chất của hợp đồng dịch vụ, tức, hợp đồng dân sự, mang ý chí về việc thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận của các bên.
Hợp đồng cộng tác viên sẽ trở thành hợp đồng lao động khi: có phát sinh quan hệ lao động, công việc mang tính chất làm công ăn lương, người lao động chịu sự ràng buộc nhất định theo các quy định, quy chế làm việc của tổ chức … Khi đó, sẽ căn cứ vào thời hạn ký kết hợp đồng mà xác minh đó là loại hợp đồng lao động nào. Xem chi tiết tại công việc: Giao kết hợp đồng lao động.
Vì hợp đồng cộng tác viên mang bản chất của hợp đồng dịch vụ, do đó, bên sử dụng cộng tác viên có các quyền sau:
- Yêu cầu cộng tác viên thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa thuận khác.
- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, cũng như yêu cầu cộng tác viên bồi thường thiệt hại trong trường hợp cộng tác viên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình và gây ra thiệt hại cho bên sử dụng cộng tác viên.
Còn đối với cộng tác viên - người cung cấp dịch vụ sẽ có các quyền:
- Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
- Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
- Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
- Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
- Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
Và như đã chứng minh ở trên thì hợp đồng cộng tác viên không phải là hợp đồng lao động, do đó, cộng tác viên không phải là người lao động nên không thể áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cộng tác viên có trách nhiệm phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công từ việc thực hiện hợp đồng. Xem chi tiết tại công việc: Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
Tổ chức sử dụng cộng tác viên có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của cộng tác viên và phải cấp chứng từ khấu trừ thuế cho các cá nhân này. Trường hợp cộng tác viên ủy quyền cho tổ chức quyết toán thuế thì tổ chức đó không phải cấp chứng từ khấu trừ.
Xem chi tiết tại công việc: Trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp; Đề nghị cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Tham khảo mẫu: Hợp đồng cộng tác viên.
Hồng Phương